Hai chiến hạm Nga trang bị tên lửa Kalibr rời khỏi Syria, 400 thủy thủ bị cách ly
Hãng tin AMN cho hay theo nhà quan sát hàng hải Thổ Nhĩ Kỳ Yoruk Isik, trong tuần này, hai tàu khu trục là Đô đốc Essen và Đô đốc Makarov thuộc Hạm đội Biển Đenđược nhìn thấy di chuyển qua eo biển Bosphorus, khu vực nối Địa Trung Hải với Biển Đen.
400 thủy thủ trên tàu hộ vệĐô đốc Essen và Đô đốc Makarov của hải quân Nga sẽ tiến hành cách ly trong 14 ngày sau khi hoạt động ở ngoài khơi Syria. (Ảnh: Twitter) |
Trước đó, cả hai tàu Đô đốc Essen và Đô đốc Makarov đã tiến hành đợt tập trận của hải quân Nga ở phía đông Địa Trung Hải. Đợt tập trận có sự tham gia của một vài chiến hạm và máy bay Nga được triển khai quanh căn cứ không quân Hmeymim thuộc tỉnh Latakia của Syria và đã kết thúc vào ngày 8/4.
Ngoài ra, vào ngày 11 – 12/4, hai tàu chiến Nga mang theotên lửa hành trình Kalibrcũng sẽ tiến hành thêm các cuộc diễn tập trên hành trình trở về quân cảng Sevastopol.
Còn theo một số nguồn tin, sau khi trở về từ Syria, 400 thủy thủ trên hai tàu Đô đốc Essen và Đô đốc Makarov sẽ thực hiện cách ly trong 14 ngày.
Theo thông tin từ tờ Red Star, hai tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường Đô đốc Essen và Đô đốc Makarov trở về cảng Sevastopol sau thời gian dài hoạt động ở Địa Trung Hải, nhưng sẽ chưa thể cập cảng. Chỉ huy Hạm đội Biển Đen đã đề nghị các thủy thủ từng tiếp xúc với người nước ngoài, tự cách ly tại chỗ và chưa thể lên bờ cho tới khi có thông tin xác nhận toàn bộ thủy thủ đoàn đều khỏe mạnh.
Cũng theo Red Star, mức độ cách ly được thực hiện ngang bằng với tất cả mọi người. Tất cả các tàu dân sự và tàu chiến và trong trường hợp này là tàu hộ vệ trở về từ ngoài khơi xa đều tiến hành cách ly 14 ngày. Nếu trong khoảng thời gian cách ly, không phát hiện bất cứ ai bị ốm trong số thủy thủ đoàn, tàu Đô đốc Essen và Đô đốc Makarov sẽ có thể cập cảng.
Trước đó, tờ Red Star không đưa tin liên quan tới việc các thủy thủ trên tàu hộ vệ Đô đốc Essen và Đô đốc Makarov có tiếp xúc với người dân Syria hay những cư dân trong vùng trong quá trình làm nhiệm vụ. Do đó, thông tin 400 thủy thủ phải cách ly 14 ngày làm dấy lên nghi ngờ.
Còn theo các chuyên gia, quyết định của Chỉ huy Hạm đội Biển Đen là hoàn toàn có cơ sở, sau khi thông tin về các thủy thủ trên tàu chiến Mỹ và Pháp mắc Covid-19 được giới truyền thông công bố.
Cụ thể, hôm 9/4, giới chức Lầu Năm Góc dự báo dịch Covid-19 sẽ còn lây lan trong lực lượng tàu chiến của hải quân Mỹ đang hoạt động trên biển.
Theo đó, số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hoạt động trên Thái Bình Dương đã tăng lên hơn 400 thủy thủ.
Tướng John Hyten, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ nhấn mạnh, 416 thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được xác định mắc Covid-19 và 1.164 xét nghiệm đang chờ kết quả.
Ông Hyten cho biết thêm, ngay cả tàu sân bay USS Nimitz đang đỗ ở cảng Bremerton thuộc tiểu bang Washington và chuẩn bị được triển khai tới Thái Bình Dương, cũng đã xác định được nhiều thủy thủ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, hôm 10/4, Bộ Quốc phòng Pháp xác nhận 50 thủy thủ trên tàu sân bay duy nhất của hải quân Pháp là Charles de Gaulle đã mắc Covid-19. Con tàu đang quay trở về cảng Toulon ở phía nam nước Pháp, sau khi buộc phải cắt lịch trình di chuyển tới Địa Trung Hải do phát hiện khoảng 40 thành viên thủy thủ đoàn có những biểu hiện nhiễm virus corona chủng mới.