Chuyên gia 'rối não' trước dàn tên lửa mới của Triều Tiên
Dàn tên lửa mới được trình làng trong cuộc diễu binh khiến các chuyên gia tranh luận về sức mạnh thực sự của vũ khí Triều Tiên.
Các chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên đang tranh luận về mức độ nguy hiểm thực sự của dàn tên lửa mới được Bình Nhưỡng cho ra mắt trong buổi lễ diễu binh vào ngày 14/1. Buổi lễ diễu binh được tổ chức sau 2 ngày kết thúc Đại hội lần thứ 8 của đảng Lao động Triều Tiên.
Trong cuộc diễu binh mới nhất, Triều Tiên đã trình làng các tên lửa đạn đạo mới được cho là tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM) có tên Pukguksong-5-siot, cùng một tên lửa tầm ngắn trông giống với tên lửa Iskander của Nga mang tên KN-23.
SLBM Pukguksong-5 mới được Triều Tiên trình làng trong cuộc diễu binh hôm 14/1. (Ảnh: KCNA) |
Trong tiếng Triều Tiên “siot” có nghĩa là “trên biển”. Hồi tháng 10/2020, trong cuộc diễu binh nhân lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động, Triều Tiên cũng đã cho ra mắt tên lửa Pukguksong-4.
Ông Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Mỹ nhận định, Bình Nhưỡng không cho ra mắt cái gì mới cả.
“Pukguksong-5 chỉ là trông dài hơn so với những tên lửa Pukguksong từng được công bố trước đó. Nó cùng một loại tên lửa”, ông Lewis nói.
Song theo ông Lewis, khó có thể đánh giá sức mạnh của tên lửa Pukguksong-5 bởi Triều Tiên chưa từng công khai sức mạnh của loại tàu ngầm mang theo tên lửa này.
Ông Joseph Bermudez, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược lại cho rằng, cần thận trọng trong việc đánh giá các thiết bị quân sự hay SLBM mà Triều Tiên vừa cho công bố. Bởi Triều Tiên thường ngụy trang và giấu diếm vũ khí. “Đây cũng có thể là cơ hội để Triều Tiên đánh lừa chúng ta”, ông Bermudez chia sẻ.
Song nhà phân tích cấp cao tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc là ông Shin Jong-woo lại không đồng tình với hai chuyên gia trên.
“Danh tiếng và quyền lực của ông Kim Jong-un sẽ bị ảnh hưởng nếu như quân đội Triều Tiên và người dân nước này phát hiện mọi thứ được mang ra trình làng trong cuộc diễu binh chỉ là vũ khí rỗng. Bởi những loại vũ khí này sẽ được thử nghiệm trong tương lai. Tên lửa Pukguksong-5 có thể mang theo nhiều đầu đạn hơn so với những thế hệ trước”, ông Shin cho hay.
Chuyên gia phân tích tình báo tại Viện Các vấn đề quân sự Hàn Quốc, ông Ryu Seong-yeop cũng khẳng định tên lửa Pukguksong-5 chính là minh chứng cho tuyên bố của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Đại hội lần thứ 8 của đảng Lao động về việc Bình Nhưỡng sẽ sở hữu một loại tên lửa nguy hiểm hơn. Cũng theo ông Ryu, Triều Tiên sẽ còn tiếp tục sản xuất các loại tên lửa lớn hơn và tích hợp được nhiều đầu đạn hơn.
Một số chuyên gia khác thì cho rằng, tên lửa Pukguksong-5 dường như được thiết kế để bay xa hơn và mang được những đầu đạn có kích cỡ lớn hơn.
“Triều Tiên đang cùng lúc phát triển 2 loại SLBM. Trong khi tên lửa Pukguksong-4 được cho sẽ trang bị cho các tàu ngầm trọng tải 3.000 tấn, thì Pukguksong-5 sẽ được dùng cho các tàu ngầm trên 4.000 tấn”, ông Lee Choon-geun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ nhận định.
Trên thực tế, Triều Tiên cũng đang cho sản xuất một tàu ngầm mới được cho có trọng tải 3.000 tấn với khả năng mang theo 3 SLBM. Cũng không loại trừ khả năng Triều Tiên đang phát triển một tàu ngầm cỡ lớn hơn và có thể chạy bằng nhiên liệu hạt nhân.
Hiện Triều Tiên có 3 loại tên lửa Pukguksong. Trước đây, SLBM Pukguksong-3 của Triều Tiên được cho có tầm bắn là hơn 2.000 km và đã được thử nghiệm vào tháng 10/2019. SLBM Pukguksong-3 là phiên bản nâng cấp của tên lửa Pukguksong-1. Còn tên lửa Pukguksong-2 là tên lửa phóng từ mặt đất, chứ không phải SLBM.
Ngoài ra, ông Ryu cho hay tên lửa đạn đạo tầm ngăn KN-23 mà Triều Tiên cho ra mắt hôm 14/1 là phiên bản nâng cấp của một loại tên lửa từng xuất hiện trong cuộc diễu binh hồi tháng 10/2020.
“Tên lửa này dài hơn. Điều này có nghĩa tầm bắn của tên lửa cũng xa hơn”, ông Ryu nói thêm.
Ông Shin cho biết, tên lửa KN-23 này có thể là loại vũ khí hạt nhân chiến thuật mà ông Kim Jong-un từng nhắc tới trong kỳ Đại hội. Theo đó, mục đích phát triển tên lửa KN-23 là đưa toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc vào tầm bắn. Điều này sẽ gây khó cho hệ thống phòng thủ tên lửa của quân đội Hàn Quốc.
Phía quân đội Hàn Quốc nhấn mạnh, họ đang đánh giá công nghệ phát triển tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Một quan chức Hàn Quốc cho hay, “Tất cả những vũ khí mới của Triều Tiên đều chưa được thử nghiệm. Do đó, không dễ gì để đánh giá năng lực các tên lửa mới của Triều Tiên đã vươn xa cỡ nào”.
Ông Kim Jong-un nói về sức mạnh quân đội Triều Tiên
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh sẽ cho mở rộng năng lực quân sự để tăng cường khả năng bảo vệ đất nước.
Minh Thu (lược dịch)