Chính phủ Hàn Quốc tăng tiền trợ cấp, người dân vẫn không chịu đẻ
Chính phủ Hàn Quốc liên tiếp tung gói hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích người dân sinh con, nhưng hiệu quả của chính sách lại không như ý muốn.
Hai vợ chồng cô Lim Ji-yeon (34 tuổi) từng cho rằng, việc sinh một đứa con là điều tuyệt vời, nhưng đó là chuyện trước khi họ quyết định kết hôn vào năm 2018. Sau khi về chung một nhà, họ nhanh chóng từ bỏ ý định sinh con và quyết định dành thời gian còn lại cho cuộc sống đôi lứa.
“Tại sao chúng tôi lại phải sinh con trong khi phải cố gắng quá nhiều như vậy? Việc có con và nuôi con giờ không còn quá quan trọng trong thời buổi hiện nay. Hãy hỏi những người trong độ tuổi của tôi về việc anh ấy hay cô ấy có hứng thú với việc trở thành bố mẹ hay không. Tôi đảm bảo câu trả lời bạn nhân được phần lớn là không”, cô Lim nói.
Chính phủ Hàn Quốc liên tiếp tăng tiền trợ cấp nhưng người dân vẫn không chịu đẻ. (Ảnh minh họa) |
Cô Lim là một trong nhiều người trưởng thành Hàn Quốc quyết định chọn lối sống không có con cả đời. Tình trạng này khiến Hàn Quốc rơi vào cảnh “số người chết vượt quá số trẻ được sinh ra” lần đầu tiên trong năm 2020.
Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc, số người đăng ký sinh sống ở Hàn Quốc là 51,83 triệu người tính tới cuối năm 2020. Con số này giảm 20,838 người tương đương 0,04% so với năm 2019.
Trong năm 2020, Hàn Quốc có số trẻ được sinh ra thấp kỷ lục chỉ là 275.815 trẻ. Con số này giảm hơn 10% so với năm 2019. Nhưng tỷ lệ người chết lại đạt kỷ lục 307.764 trong năm 2020, tăng 3,1% so với năm 2019.
Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc cùng các chuyên gia cho rằng, xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới nhất là khi đại dịch Covid-19 khiến số người mất việc làm ngày càng nhiều, đẩy người trẻ vào cảnh thu nhập bấp bênh.
Theo các chuyên gia, việc số người chết vượt số trẻ được sinh ra cho thấy tương lai Hàn Quốc có thể rơi vào thảm họa, khi mà các trường học và bệnh viện phải đóng cửa, công việc không có, trong khi gánh nặng an ninh xã hội dành cho người cao tuổi không ngừng gia tăng.
Để đối phó với tình hình báo động, hồi tháng 12/2019, chính phủ Hàn Quốc đã đề ra kế hoạch chi 196 ngàn tỉ won (179 tỉ USD) để thúc đẩy tỷ lệ sinh đẻ trong giai đoạn 5 năm cho tới năm 2015.
Cụ thể, bắt đầu vào năm 2020, khi các cặp vợ chồng Hàn Quốc sinh con sẽ được nhận hỗ trợ tiền với mức 2 triệu won/con cho tới khi đứa bé được 1 tuổi. Ngoài ra, gia đình sẽ nhận thêm 300.000 won/tháng và số tiền này tăng lên thành 500.000 won vào năm 2025. Các cặp vợ chồng cũng sẽ nhận 3 triệu won/tháng trong giai đoạn nghỉ sinh con 3 tháng.
Nhưng các chuyên gia tin rằng, việc tạo “môi trường dễ sống” cho các cặp vợ chồng và con trẻ nên là ưu tiên hàng đầu thay vì tăng tiền trợ cấp.
“Bạn không thể buộc người khác có thêm con. Nếu môi trường phù hợp và mọi người cảm thấy được bảo vệ và khuyến khích để sinh thêm con, họ sẽ sinh con mà không cần ai nhắc nhở. Chỉ trợ cấp tiền trên thực tế không thể khuyến khích tỷ lệ sinh”, Giáo sư nghiên cứu phúc lợi xã hội tại Đại học Nữ Ewha, ông Chung Ick-joong nhận định.
Cũng theo ông Chung, các chính sách trợ cấp tài chính đã gặp thất bại lớn trong những năm qua. Cụ thể, từ năm 2016 – 2020, chính phủ Hàn Quốc đã chi 150 ngàn tỉ won để thúc để tỷ lệ sinh đẻ, nhưng tỷ lệ chết vẫn gia tăng còn tỷ lệ sinh tiếp tục không được cải thiện.
Theo ông Chung, người dân Hàn Quốc có xu hướng suy nghĩ về khoảng thời gian dài và các nguồn lực họ sẽ được cung cấp sau thời gian nghỉ sinh con.
Nghiên cứu vào năm 2019 của Viện Các vấn đề xã hội và Sức khỏe Hàn Quốc trên đối tượng là phụ nữ và đàn ông trong độ tuổi từ 19 – 49 cho thấy, 37,4% trả lời tài chính bấp bênh là lý do lớn nhất khiến họ không muốn sinh con.
Một ví dụ điển hình là anh Kim Min-seok (37 tuổi), một kế toán viên ở thủ đô Seoul, đã kết hôn vào năm 2017. Vấn đề anh Kim lo lắng nhất là làm sao có nguồn thu nhập ổn định trong khoảng thời gian 20 năm nuôi con.
Bởi hiện tại, anh Kim không đứng tên bất cứ căn nhà nào, cũng như không có khoản thu nhập phụ khác. Do đó, việc sinh con là vấn đề cuối cùng mà người đàn ông này nghĩ tới. Theo anh Kim, anh “có thể sẽ cân nhắc” sinh con vào thời gian sau này, nếu như các vướng mắc hiện thời được gỡ bỏ.
“Rất may công việc của tôi hiện ổn, nhưng tôi cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào cuối năm nay nhất là khi đại dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành. Bạn nghĩ tôi có nên lo lắng về chuyện sinh con hay không? Chính phủ không mua cho tôi một căn nhà hay bất cứ thứ gì? Do đó, tôi không quan tâm về khoản hỗ trợ sinh con”, anh Kim cho hay.
Đối với một nhân viên hành chính như cô Chang Ye-sun (29 tuổi), sinh con còn làm nảy sinh vấn đề liệu các công ty có chấp nhận việc người vợ hay chồng nghỉ làm để chăm con và liệu các nguồn hỗ trợ có đủ lớn để giúp những ông bố bà mẹ vừa đi làm vừa nuôi con.
“Nếu tôi có con, tôi sẽ phải nghỉ làm khoảng 1 năm để chăm con, các đồng nghiệp của tôi sẽ có thêm gánh nặng và các lãnh đạo thì không muốn có chuyện như vậy. Ngay cả khi quay trở lại công việc, tôi sẽ quên rất nhiều việc và cần nhiều thời gian để thích nghi với công việc. Nhưng trên hết, tôi vẫn phải chăm sóc con mình ngay cả khi chúng đã đủ tuổi đi học”, cô Chang nói.
Một số chuyên gia nhận định, chính phủ Hàn Quốc cần tập trung hỗ trợ phúc lợi cho toàn bộ quá trình cha mẹ vừa đi làm vừa nuôi con và các quản lý công ty cũng nên khuyến khích nhân viên sinh con.
“Tạm nghỉ việc là vấn đề nghiêm trọng đối với những ông bố bà mẹ đang đi làm nhất là phụ nữ. Những cặp vợ chồng ở độ tuổi 20 – 30 đang đi làm thường lo sợ bị tụt hậu so với đồng nghiệp, từ đó khó thăng chức chỉ vì phải dành thời gian nuôi con. Đó là lý do nhiều người cuối cùng lựa chọn không sinh con”, Giáo sư xã hội học ở Đại học Hallym, bà Shin Kyung-ah chia sẻ.
Cũng theo bà Shin, các công ty nên tận dụng chương trình làm việc tại nhà để tạo ra môi trường cân bằng giữa cuộc sống và công việc, cũng như tạo ra khung giờ làm việc linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc nên chuẩn bị các chính sách hỗ trợ lực lượng lao động mất việc trong thời gian nghỉ làm sinh con.
“Dịch Covid-19 thực tế đã tạo ra cơ hội cho Hàn Quốc quan tâm tới vấn đề trên nhất là khi người lao động làm việc ở nhà và khung giờ làm việc cũng linh hoạt hơn. Bắt đầu từ những biến đổi như này, Hàn Quốc sẽ dần thay đổi được lối suy nghĩ về việc sinh con và làm cha mẹ. Chúng ta không chỉ chăm chăm vào việc tăng số lượng trẻ được sinh ra”, bà Shin nhấn mạnh.
Hàn Quốc rúng động vụ cha mẹ nuôi hành hạ bé 16 tháng tuổi tới chết
Cái chết của bé gái 16 tháng tuổi xuất phát từ hành động đánh đập dã man của bố mẹ nuôi khiến dư luận Hàn Quốc chấn động.
Minh Thu (lược dịch)