Chi tiết về vắc-xin Moderna mới được Việt Nam phê duyệt khẩn cấp
Moderna là vắc-xin ngừa Covid-19 thứ 5 được phê duyệt để sử dụng tại Việt Nam tính từ tháng 2 đến nay. Theo thông tin từ Bộ Y tế, đã có một đơn vị ký hợp đồng nhập khẩu 5 triệu liều Moderna về Việt Nam.
Vắc-xin Moderna là một trong số các vắc-xin ngừa Covid-19 được quan tâm nhiều nhất hiện nay và được sử dụng nhiều tại Mỹ và châu Âu. Vắc-xin này cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt, dựa trên các hồ sơ về tính an toàn và sinh miễn dịch của vắc-xin.
Moderna, một nhà sản xuất vắc-xin có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ), đã hợp tác với Viện Y tế Quốc gia để phát triển và thử nghiệm vắc-xin Covid-19, được gọi là mRNA-1273. Thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng vắc-xin đạt hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 đến 94,1%.
Vắc-xin Moderna, còn có tên là Skipevax, mỗi liều 0,5ml chứa 100mcg mRNA, được nhúng trong các lipid nanoparticle SM-102, dạng bào chế là hỗn dịch tiêm bắp, hộp chứa 10 lọ đa liều, mỗi lọ đa liều chứa 10 liều 0,5mcg. Vắc-xin cũng có hiệu quả cao trong các thử nghiệm lâm sàng giúp ngăn ngừa Covid-19 ở những người ở nhiều độ tuổi, giới tính, chủng tộc và dân tộc cũng như những người có sẵn bệnh nền.
Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vắc-xin Moderna của Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Theo Moderna, tính tới ngày 12/4, hãng đã phân phối 132 triệu liều vắc-xin trên toàn cầu, trong đó có gần 117 triệu liều tại Mỹ. Hãng vẫn trong tiến trình phân phối đợt cung ứng thứ 2 gồm 100 triệu liều vắc-xin vào cuối tháng 5 và tiếp đó là thêm 100 triệu liều vào cuối tháng 7.
Bernstein Research cho biết, mức giá vắc-xin Moderna là 17-20 USD/ liều tại các nước phát triển và 8 USD/ liều tại các nước đang phát triển. Đến năm 2022 vắc-xin Covid-19 dự kiến mang về cho Moderna 27 tỉ USD doanh thu.
Vắc-xin Covid-19 của Moderna sử dụng công nghệ đột phá tương tự như vắc-xin của Pfizer-BioNTech. Hầu hết các loại vắc-xin truyền thống đều sử dụng virus đã chết hoặc làm yếu đi, nhưng cả hai loại vắc-xin mới đều sử dụng các đoạn mã di truyền của Covid-19 để huấn luyện hệ thống miễn dịch phát hiện và chống lại virus. Cả hai loại vắc-xin đều cần tiêm hai liều, trong khi vắc-xin của Pfizer hai liều cách nhau 2 tuần thì vắc-xin của Moderna cách nhau 4 tuần.
Theo các nhà khoa học, cả 2 loại vắc-xin của Pfizer và Moderna đều được chế tạo bằng công nghệ mới, sử dụng các phân tử được gọi là “RNA thông tin” (mRNA) - một phương pháp chưa từng được chấp thuận trước đây, điển hình của những công cụ mới mạnh mẽ chống lại đại dịch. Sau khi được tiêm vắc-xin, hệ thống miễn dịch của cơ thể con người sẽ tạo ra kháng thể sẵn sàng tấn công nếu như tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản giữa 2 loại vắc-xin nằm ở chỗ vắc-xin của Moderna không cần bảo quản cực lạnh như của Pfizer và đây là một lợi thế để dễ dàng được phân phối. Moderna hy vọng vắc-xin có thể ổn định ở nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn từ 2-8 độ C trong 30 ngày và có thể được bảo quản đến 6 tháng ở -20 độ C. Trong khi nhiệt độ tiêu chuẩn để bảo quản vắc-xin của Pfizer là -75 độ C.
Vắc-xin của Moderna là 1 trong 3 loại vắc-xin Covid-19 được tiêm chủng diện rộng ở Mỹ, cùng với vắc-xin của Pfizer/BioNTech và vắc-xin của Johnson & Johnson.
Trước đó, theo các báo cáo vắc-xin của Moderna đang được phân phối tại 27 quốc gia trên thế giới. Trong khi, Vắc-xin của Pfizer/BioNTech, hiện là loại được sử dụng phổ biến nhất thế giới với 61 quốc gia, bao gồm Israel, Mỹ, Saudi Arabia cùng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Đứng thứ hai là vắc-xin do hãng dược Anh AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển với 41 quốc gia.
Bộ Y tế Việt Nam cho biết, vắc-xin Moderna của Mỹ nhưng có thể được sản xuất tại Tây Ban Nha, Pháp, căn cứ vào khả năng cung cấp vắc-xin tại thời điểm nhập khẩu nộp hồ sơ đề nghị cấp phép.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Zuellig Pharma là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối vắc-xin Moderna. Quyết định phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Zuellig Pharma cung cấp cho Bộ Y tế đến ngày 23/6.
Bộ Y tế yêu cầu Zuellig Pharma phối hợp với Việt Nam thực hiện kểm định các lô vắc xin trước khi sử dụng; bảo đảm an toàn, hiệu quả, chất lượng của lô vắc xin nhập vào Việt Nam; có trách nhiệm phối hợp với nhà sản xuất phản hồi kịp thời các yêu cầu của Việt Nam để bổ sung thêm dữ liệu hoặc các yêu cầu khác có liên quan…
Công dân EU chưa tiêm vắc-xin Covid-19 có nguy cơ mất việc làm
Nhiều công dân chống lại việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 ở châu Âu phải đối mặt với áp lực từ các nhà tuyển dụng. Như ở Italy, các bác sĩ chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đã bị đình chỉ công việc.
Thanh Bình (lược dịch)