Bất ngờ về kháng thể trong sữa người mẹ từng mắc Covid-19
Các kháng thể trong sữa người mẹ có tiền sử mắc Covid-19 mang lại nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh hơn những gì các nhà khoa học từng biết.
Các kháng thể Covid-19 có sẵn trong người mẹ từng bị nhiễm virus corona được truyền sang con trong quá trình cho bú được chứng minh mang lại nhiều lợi ích cho đứa trẻ hơn những gì mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện. Đây là thông tin mới được đăng tải trên tạp chí y khoa JAMA Network Open hôm 3/11.
Trước đó, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 21 trẻ sơ sinh có mẹ từng mắc Covid-19 trong thời gian sinh nở.
Các kháng thể trong sữa người mẹ từng mắc Covid-19 mang lại nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa) |
Sau 2 tháng nghiên cứu, kết quả cho thấy lượng kháng thể Immunoglobulin G (IgG) trong máu và dịch ngoại bào sản sinh trong quá trình cơ thể người mẹ phản ứng với tình trạng nhiễm virus corona, được truyền từ sữa mẹ vào máu thai nhi và từ đó tạo ra quá trình miễn dịch thụ động.
Ngoài ra, các kháng thể trong sữa mẹ Immunoglobulin A (IgA) còn thúc đẩy hệ miễn dịch tích cực ở trẻ sơ sinh, để từ đó kích hoạt hệ thống miễn dịch của trẻ tự sản sinh IgA.
Khi so sánh với những trẻ sơ sinh nuôi bằng sữa công thức và có mẹ từng mắc Covid-19, những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có lượng kháng thể IgA tự sản sinh chống lại virus corona cao hơn hẳn trong nước bọt.
“Đây là lần đầu tiên, chúng tôi chứng minh người mẹ có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch tích cực ở trẻ sơ sinh thông qua việc chuyển các phân tử miễn dịch qua dòng sữa mẹ, từ đó sản sinh kháng thể trong nước bọt”, Tiến sĩ Rita Carsetti thuộc Bệnh viện Nhi Bambino Gesu và Tiến sĩ Gianluca Terrin của Đại học Sapienza ở Rome, Italy nhận định.
Trong khi đó, một báo cáo gửi tới Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 2/11 cho thấy mức độ bảo vệ khác nhau của vắc xin Covid-19 đối với những bệnh nhân có sức đề kháng yếu.
Cụ thể, trong nhóm những người có hệ miễn dịch kém, một số người nhận được ít lợi ích bảo vệ từ việc tiêm các vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA hơn so với những người khác.
Thông tin này giúp củng cố dữ liệu để so sánh sự khác biệt và hỗ trợ chiến dịch tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 ở Mỹ.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi trên 20.000 người trưởng thành có hệ miễn dịch yếu mà trong số này 53% đã được tiêm đủ liều, cùng gần 70.000 người có hệ miễn dịch bình thường với 43% đã tiêm đủ mũi tiêu chuẩn.
Kết quả, hiệu quả của các loại vắc xin mRNA trong việc ngăn chặn tình trạng nhập viện vì mắc Covid-19 là 90% trong nhóm có hệ miễn dịch bình thường. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở nhóm có hệ miễn dịch yếu giảm xuống còn 77% ở mọi độ tuổi.
Theo báo cáo, hiệu quả ngăn nhập viện do mắc Covid-19 của các loại vắc xin mRNA đối với nhóm bệnh nhân ghép tạng dùng thuốc chống đào thải giảm còn 55%. Tỷ lệ này ở nhóm bệnh nhân ung thư máu là 74% và 81% đối với người bị thấp khớp hoặc viêm khớp dạng thấp.
Ông Peter Embi, Giám đốc điều hành Viện Regenstrief tại Indianapolis, công bố các dữ liệu trên cho thấy vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna cùng sử dụng công nghệ mRNA có hiệu quả phòng Covid-19 tương tự như nhau.
Hai vắc xin này sử dụng vật liệu di truyền được gọi là RNA thông tin hay mRNA để hướng dẫn các tế bào của cơ thể tạo ra một phần nhỏ protein gai của virus corona, để từ đó huấn luyện cơ thể nhận ra và tấn công protein này.
“Nghiên cứu của chúng tôi củng cố khuyến cáo của CDC về việc tiêm 2 mũi vắc xin mRNA là chưa đủ. Những người có hệ miễn dịch yếu đang tiêm 1 trong 2 loại vắc xin mRNA cần tiêm mũi tăng cường thứ 3 và mũi tiêm thêm được tiêm sau 6 tháng sau mũi thứ 2”, ông Embi nói.
Chuyên gia Nhi khoa 'bác' tin đồn vắc xin Covid-19 gây vô sinh, ảnh hưởng dậy thì ở trẻ
Tin đồn về việc tiêm vắc xin Covid-19 có thể gây vô sinh và ảnh hưởng tới quá trình dậy thì của trẻ đã được khoa học chứng minh là vô căn cứ.
Minh Thu (lược dịch)