Thế giới "nín thở" trước nguy cơ Mỹ - Iran chìm vào "vòng xoáy" chiến tranh mới
Kể từ khi căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq bị tấn công bởi một lực lượng vũ trang quy mô lớn, cả Trung Đông và Châu Âu đã chờ đợi xem Mỹ sẽ đưa ra quyết định gì, do Mỹ được coi là lãnh đạo của NATO, một khi đưa ra bất kỳ quyết định gì cho dù là “chiến hay hòa” đều sẽ ảnh hưởng trược tiếp đến việc điều chỉnh lực lượng quân sự khắp châu Âu.
Câu trả lời đã nhanh chóng được Mỹ đã đưa ra, hành động của Mỹ đã làm cả thế giới “nín thở” khi mà sáng 3/1, hàng loạt rocket của lực lượng Mỹ tại Iraq đã trút xuống đoàn xe chở Muhandis và tướng Soleimani ngay tại sân bay quốc tế Baghdad, khiến hai quan chức quân sự này cùng 6 thành viên trong đoàn thiệt mạng.
Vị tướng huyền thoại của Iran đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng rocket của Mỹ sáng 3/1. Nguồn: Sina. |
Tướng Qassem Soleimani là một trong những vị tướng “huyền thoại” của Iran và là tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cùng chỉ huy dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis. Cái chết của vị tướng này là đòn giáng mạnh củng Mỹ vào Iran cũng như nhóm dân quân thân Iran Kataib Hezbollah.
Hiện, NATO và châu Âu đang “đứng ngồi không yên” chờ đợi đòn đáp trả của Iran, Truyền thông Nhà nước Iran sáng 3/1 cũng chính thức xác nhận Thiếu tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh IRGC đã thiệt mạng do bị Mỹ ám sát tại Iraq. Một tướng cấp cao Quân đội Iran tuyên bố Iran thề sẽ trả đũa sau cái chết của tướng Soleimani.
Cả thế giới đang "nín thở" chờ đợi đòn đáp trả của Iran để "báo thù" cho vị tướng huyền thoại của mình. Nguồn: Sina. |
Không chỉ vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cũng cho biết, Mỹ sẽ tiến hành một loạt các điều chỉnh quân sự, theo đó, sẽ tăng thêm ít nhất 750 quân đến Baghdad, và sau đó sẽ điều động ít nhất 4.000 quân từ Sư đoàn Dù 82 đến đồn trú tại Kuwait. Sự điều động này là một trong các hoạt động điều chỉnh quy mô lớn của Mỹ ở Trung Đông, đây cũng được coi là hoạt động triển khai quân của Mỹ nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích của Iran trong thời gian tới.
Trên thực tế, kể từ khi Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định hạt nhân Iran, về cơ bản mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đã không còn có thể “cứu vãn”, xung đột chỉ là vấn đề thời gian. Truyền thông Pháp ngày 3/1 cho rằng, Iran là một siêu cường ở Trung Đông, nên việc Mỹ muốn dùng lực lượng quân sự để giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên là điều không thực tế. Mỹ phải rất thận trọng khi đối phó với “con hổ” ở Trung Đông, bởi vì chỉ một chút bất cẩn đều có khả năng biến một cuộc xung đột cục bộ thành một cuộc chiến tranh, và nếu được mở rộng hơn nữa, chắc chắn sẽ bao trùm toàn bộ sức mạnh Trung Đông.
Nếu xảy ra cuộc chiến Mỹ - Iran chắc chắn sẽ bao trùm toàn bộ sức mạnh Trung Đông. Nguồn: Sina. |
Hành động vừa rồi của Tổng thống Trump đã buộc Iran phải chiến đấu, hiện, không phải một hai nước Trung Đông bày tỏ thái độ “thù hận” đối với Mỹ, một khi Mỹ và Iran chính thức xảy ra xung đột quân sự, rất nhiều quốc gia sẽ bị kéo vào vòng xoáy này. Iran đã mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng tại Trung Đông trong 10 năm qua bằng cách đẩy mạnh phát triển các nhóm vũ trang đồng minh tại Lebanon, Syria, Iraq, Yemen và Dải Gaza. Đây là những lực lượng ủy nhiệm có thể được triển khai nếu nổ ra xung đột quân sự giữa Iran và Mỹ, mở rộng quy mô chiến trường nhằm gây thiệt hại tối đa cho Washington.
Được biết "vòng xoáy" căng thẳng mới giữa Mỹ và Iran bùng phát kể từ ngày 27/12/2019, khi một nhà thầu quân sự Mỹ bị thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng rocket tại Iraq, Mỹ đổ lỗi cho các tay súng do Iran bảo trợ trong vụ việc trên. Sau đó 2 ngày, Mỹ đã tiến hành đáp trả, Không quân Mỹ đã tiến hành hàng loạt các vụ không kích tại 5 địa điểm khác nhau ở Iraq nhằm vào nhóm tay súng Kataeb Hezbollah do Iran bảo trợ và đã tiêu diệt 25 tay súng. Chính phủ Iraq đã lên án mạnh mẽ cuộc không kích của Mỹ và cho rằng vụ không kích trên lãnh thổ Iraq là vi phạm chủ quyền.
Ngày 31/12, hàng nghìn người biểu tình đã xông vào khu vực tòa nhà Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad, Iraq nhằm phản đối Mỹ và Israel. Các lãnh đạo của nhóm vũ trang được cho ủng hộ Iran cũng đã tham gia biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ. Ngày 1/1/2020, lính Mỹ đã xịt hơi gas vào người biểu tình để buộc lực lượng này rút lui, Tổng thống Trump đã ra lệnh điều động thêm nhiều binh lính đến Trung Đông. Đỉnh điểm của căng thẳng Mỹ - Iran là vụ việc sáng 3/1 làm tướng huyền thoại của Iran thiệt mạng.