Thế giới: Biển Đông là "phép thử" tình đoàn kết ASEAN
Hãng tin Reuters nhận định trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 từ ngày 10 - 11/5 được tổ chức tại Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn lên án hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Căng thẳng trên Biển Đông bùng phát từ ngày 1/5 - thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan dầu hiện đại trị giá 1 tỷ USD HD-981 vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và chỉ cách đảo Lý Sơn 120 hải lý.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 được tổ chức tạiMyanmar từ ngày 10 - 11/5 |
Không những vậy, Trung Quốc còn ngang nhiên khẳng định giàn khoan dầu HD-981 hoạt động trong khu vực hải phận quốc gia và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của chuỗi đảo mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ năm 1974.
Phát biểu của Thủ tướng - Phép thử cho sự đoàn kết trong khối ASEAN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Việt Nam đã hành động “hoàn toàn kiềm chế” và sử dụng mọi phương pháp đối thoại để yêu cầu Trung Quốc di dời giàn khoan HD-981.
“Tuy nhiên cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa hành động theo đề nghị chính đáng của Việt Nam mà còn đổ lỗi cho Việt Nam làm gia tăng căng thẳng bạo lực. Đây là hành động ngày càng nguy hiểm”, hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thậm chí, Trung Quốc còn ngang nhiên cáo buộc phía Việt Nam đã cố tình đâm vào tàu của Trung Quốc trên Biển Đông. Trước đó, Việt Nam tuyên bố các tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng và xông tới đâm vào 8 tàu của Việt Nam hoạt động gần khu vực Bắc Kinh đặt giàn khoan dầu trái phép.
![]() |
10 lãnh đạo tham giacuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 |
Cũng theo Reuters, tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được xem là phép thử cho sự đoàn kết giữa các nhà lãnh đạo ASEAN. Theo đó, một số quốc gia thành viên đã thẳng thắn đưa ra lời tuyên bố mạnh mẽ nhằm cảnh báo trước sự hung hăng ngày càng lớn của Trung Quốc.
Ngoài ra, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cũng bày tỏ “sự quan ngại đặc biệt” trước những vụ va chạm giữa tàu hải quân của Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông. Các nguyên thủ còn hối thúc Bắc Kinh thực hiện những nỗ lực tổ chức đàm phán về vấn đề an ninh hàng hải.
Song, một điều dễ nhận thấy là các quốc gia thành viên ASEAN chưa sẵn sàng “chọc giận” Trung Quốc – một quốc gia có tầm ảnh hưởng kinh tế và chính trị lớn trong khu vực châu Á. Bởi ngay trong bài phát biểu tại lễ khai mạc và bế mạc cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24, Tổng thống Myanmar Thein Sein – quốc gia nắm giữ chức chủ tịch ASEAN, đều không đề cập tới bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã hối thúc cộng đồng ASEAN và các quốc gia khác thể hiện sự “ủng hộ đối với những yêu cầu pháp lý chính đáng của Việt Nam” trước Trung Quốc.
Việt Nam thẳng thắn lên án Trung Quốc
Hãng tin AP nhận định trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Philippines đã mạnh mẽ lên án hành động gây hấn trên Biển Đông của Trung Quốc.
Những tranh chấp hàng hải lâu nay trên Biển Đông không ngừng gia tăng khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển chiến lược quan trọng này. Biển Đông hiện được xem là vùng biển có những tuyến đường giao thương hàng hóa nhộn nhịp nhất thế giới và chứa đựng nguồn tài nguyên dầu mỏ cũng như khí đốt dồi dào.
![]() |
Hôm 11/5, người dân tại Hà Nội tổ chức biểu tình phản đối hành động Trung Quốc trái phép đưa giàn khoan dầu HD-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam |
Theo AP, trong phiên bế mạc cuộc họp thượng đỉnh ASEAN hôm 11/5, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh mối quan ngại và kêu gọi các bên kiềm chế giải quyết những tranh chấp chủ quyền trong hòa bình. Song, dường như họ lại e ngại và không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc.
Trái lại, hãng tin AFP đánh giá lãnh đạo Việt Nam và Philippines đã sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để lên án Trung Quốc ngay từ khi bắt đầu phiên họp.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan dầu nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống tiến vào vùng biển Việt Nam. Thậm chí, các tàu của Trung Quốc còn dùng vòi rồng công suất lớn tấn công và lao thẳng vào tàu dân sự của Việt Nam khiến nhiều tàu bị hư hỏng nặng và nhiều người bị thương”.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn khẳng định vấn đề an ninh và tự do hàng hải của Việt Nam tại khu vực Biển Đông chiến lược đang bị đe dọa nghiêm trọng. Phía Mỹ cũng chỉ trích hành động của Trung Quốc là khiêu chiến và vô bổ.
Trung Quốc quanh co không nhận lỗi
Trong một tuyên bố hôm 10/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng tình hình Biển Đông hiện nay “không liên quan tới mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN” cũng như phản đối các nước thành viên ASEAN nhân cơ hội này để gieo rắc mối bất hòa. Nhận định trên của Trung Quốc rõ ràng là nhắm tới Việt Nam và Philippines – hai quốc gia thuộc khối ASEAN và tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
“Phía Trung Quốc luôn phản đối các nước dùng vấn đề Biển Đông để làm ảnh hưởng tới tình bạn và hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Trong khi đó, trước đây, Trung Quốc từng sẵn sàng hợp tác với ASEAN để thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Thậm chí, Trung Quốc còn tiến hành thảo luận chính thức với ASEAN về việc xây dựng những quy tắc ứng xử hàng hải ở Biển Đông. Song quốc gia này lại dở chiêu trò cho rằng các cuộc tranh chấp lãnh thổ nên được bàn thảo song phương.