Thay "áo mới" cho Nhà Gương công viên Thống nhất chuẩn bị đón khách
Nhà Gương hay còn được gọi Nhà Cười được Chính phủ Tiệp Khắc xây tặng thành phố Hà Nội từ năm 1979, công trình gắn với tuổi thơ của hầu hết thế hệ 6x,7x và 8x ở Thủ đô, sau gần 40 năm đã được thay một lớp áo mới tươi tắn và hiện đại. |
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - tác giả Con đường gốm sứ đồng thời là người thực hiện công trình gắn gốm nghệ thuật Nhà Gương trong Công viên Thống Nhất chia sẻ: Khi tiếp cận bản vẽ kiến trúc của tòa nhà do Công viên Thống nhất cung cấp, nữ họa sĩ đã vô cùng thích thú khi biết kiến trúc sư Tiệp Khắc đã lấy cảm hứng từ một vỏ ốc khổng lồ để tạo hình tòa nhà. Họa sĩ Thu Thủy cho biết, lối kiến trúc này rất phù hợp cho việc tạo thành các bức phù điêu gốm lớn. |
Việc trang trí gốm xung quanh trong ngoài tòa nhà được lấy cảm hứng từ chủ đề biển đảo.Tòa nhà có chu vi dài 60m, cao trung bình 6m, chỗ cao nhất là 7,2m, chỗ thấp nhất 4,8m. Bức tường chạy bao quanh hình tròn vỏ ốc, chỉ có hai ô của sổ lớn và 3 khe cửa giật cấp để lấy ánh sáng và thoáng khí nên rất lý tưởng cho việc trang trí bằng tranh gốm. |
Cửa vào tòa nhà là miệng vỏ ốc, tòa nhà xoắn tròn với lối đi mê cung dẫn vào lòng trong cùng của vỏ ốc là nhà tròn có 8 tấm gương dị dạng. Phía trước mặt còn có bức tượng Nữ thần biển tì tay lên mỏ neo đứng duyên dáng bên cánh trái của mặt tiền nhìn về phía cổng chính của Công viên Thống Nhất. |
Những bức tường và sàn bên trong Nhà Gương được họa sĩ Thu Thủy và Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội tỉ mỉ gắn những viên gốm và sỏi gốm màu đủ các sắc độ tạo nên một không gian dưới đáy đại dương lộng lẫy với đủ san hô, sò, ốc, sao biển, hải quỳ và các loài cá. |
Họa sĩ Thu Thủy cho biết thêm, số lượng gốm được sử dụng khoảng hơn 2 triệu viên với nhiều hình dạng khác nhau. Tổng diện tích gốm được gắn lên tường bên ngoài, bên trong và sàn của Nhà Gương lên đến 812m², trong đó mỗi mét vuông gốm gồm 2500 viên gốm mosaic nhỏ cỡ 2cm x 2cm. |
Nữ tác giả của "Con đường gốm sứ" chia sẻ, nền nhà của Nhà Gương được lát gốm với màu chủ đạo xanh dương, tái hiện lại đầy đủ cảnh quan của đại dương với đủ san hô, sò, ốc, sao biển, hải quỳ và các loài cá. Họa sĩ mong muốn, thông qua việc tham quan vui chơi tại Nhà Gương, chị có thể truyền tình yêu biển đảo cho thiếu nhi. |
“Từ biển Hạ Long đến sóng Trường Sa – đó là chủ đề ý tưởng tôi thiết kế trang trí cho mặt ngoài tòa Nhà Gương. Với tất cả tình cảm yêu quý và những kỷ niệm gắn bó với biển Hạ Long – di sản thiên nhiên của thế giới và 5 chuyến đi công tác ở Trường Sa đã giúp tôi có những ý tưởng thi công các công trình gắn gốm góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam và tôi cũng đã gửi gắm tất cả những công trình do tôi làm ở Thủ đô Hà Nội” - Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy chia sẻ. |
Đặc biệt bên trong mê cung gương này, bên cạnh 50 tấm gương được thay mới sáng loáng, dưới sàn là những vòng tròn nước với san hô, cá, ốc, sò gốm, sỏi gốm được những tấm gương phản chiếu vào nhau nhân lên tạo thành một mê cung vô cực. |
Nữ họa sĩ cho biết, công trình này là kết quả của hơn 1 năm chuẩn bị, 2 tháng đắp phù điêu và 3 tháng thi công trực tiếp. |
"Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, theo lời kể của nhiều người thì Nhà Gương này luôn là một điểm vui chơi quen thuộc cuối tuần của mỗi gia đình. Ngày đó, người dân xếp hàng kín từ ngoài cửa để vào tham quan" - nữ họa sĩ kể lại. |
Ngôn ngữ biểu cảm của gốm được thể hiện rất phong phú ở nhiều kỹ thuật thể hiện khác nhau trong công trình gắn gốm đặc sắc này. |
Tác giả của Nhà Gương phủ gốm cho biết, hiện chị đang làm hồ sơ để gửi tổ chức Kỷ lục Guiness thế giới xác nhận đây là khu Nhà Gương phủ gốm lớn nhất thế giới về chủ đề biển đảo. |
Sau một thời gian dài đắp chiếu, nhà gương huyền thoại của Thủ đô đã được thay áo mới, chuẩn bị đón những lượt khách nhí trong thời gian tới. |