Thành viên phe Áo đỏ cảnh báo trước về vụ nổ bom Bangkok
Pongpob Boonsaree, 36 tuổi, là một viên chức nhà nước và là người ủng hộ phe Áo đỏ đã đăng trên trang facebook cá nhân của mình lúc 21h54 ngày 13/8 dòng cảnh báo: “Khẩn cấp, khẩn cấp, khẩn cấp. Từ ngày 14 đến 18, hãy cẩn thận khi ở Bangkok. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói. Tin này chính xác tới 86%. Tôi chỉ có thể nói thế thôi. Tôi nói lại một lần nữa”.
Ông Pongpob bị gọi tới cơ quan cảnh sát để điều tra. Nguồn: Bangkok Post |
Một giờ sau khi vụ nổ xảy ra, Pongpob viết thông báo khác: “Mọi người thấy sao? Tin tôi chưa? Tôi đã cảnh báo rồi mà. Nó đã xảy ra. Hãy kiểm tra xem người của chúng ta có thiệt hại gì không”.
Hôm qua, 19/8, Pongpob đã bị triệu tập và thẩm vấn tại Cơ quan Điều tra Tội phạm Công nghệ cao. Tuy nhiên, người này phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công. Pongpob khẳng định đang ở văn phòng làm việc khi vụ đánh bom xảy ra.
Người đàn ông này cho hay ông chỉ sao chép nội dung thông tin này từ trang Facebook của một nhóm chính trị để cảnh báo mọi người. “Tôi cảm thấy điều gì đó tồi tệ có thể xảy ra và rất lo lắng cho những người bình thường. Vì vậy, tôi đăng tải lại trên Facebook cá nhân”, Pongpob nói.
Pongpob từ chối cung cấp thông tin về nhóm chính trị ông đề cập đến nhưng khẳng định sẽ hợp tác với cảnh sát để điều tra nội dung thông điệp cảnh báo.
Trợ lý cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan, Prawut Thawornsiri, cho biết cảnh sát không buộc tội ông Pongpob mà sẽ tiến hành điều tra sâu hơn về nguồn gốc của lời cảnh báo trên, đồng thời cũng tiến hành lục soát nhà của ông Pongpob ở Chachoengsao.
Ông Pongpob cho biết thêm, nhóm chính trị này có khoảng 70.000 thành viên, trước đó đã đăng nhiều dự đoán chính trị và những vụ việc chung, gồm cả các sự kiện ở miền Nam Thái Lan. Phải đến 80-90% những dự đoán đó đã thành sự thật, ông khẳng định. Mỗi lần, các dự đoán đó chỉ được đăng trong vòng 15 giây, sau đó sẽ bị xóa. Ông Pongpob cho biết các thành viên trên diễn đàn này không mấy ưa ông và coi ông như “người ngoài hành tinh”. Ông cho rằng trang này được điều hành bởi một phong trào chính trị có tổ chức bài bản.
Hình ảnh video về 2 nghi can đã giúp đỡ hung thủ. Nguồn: Bangkok Post |
Trước đó, cảnh sát Thái Lan đã công bố bản phác họa chân dung hung thủ, đồng thời ra lệnh truy nã khẩn cấp và treo thưởng 28.000 USD cho ai cung cấp thông tin bắt hung thủ. Mặc dù nghi phạm chính trong đoạn hình ghi được chưa được xác định danh tính, lệnh truy nã ông này đã được Tòa Hình sự Nam Bangkok đưa ra. Lệnh này cáo buộc một “người nước ngoài không rõ danh tính” đã âm mưu thực hiện “vụ giết người có chủ định” và tội sử dụng vũ khí. Phát ngôn viên của cảnh sát, ông Prawut Thawornsiri, nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng, người đàn ông này có thể “có nguồn gốc pha trộn”.
Ngoài ra, cảnh sát thông báo hai người khác xuất hiện trong video quay hiện trường vụ đánh bom gần đền Erawan cũng là đối tượng đáng nghi. Ông Prawut Thawornsiri cho hay hai người đàn ông, một đối tượng mặc áo đỏ và người kia mặc áo trắng, đứng cạnh nghi phạm áo vàng. Dường như hai người đứng chắn cho thanh niên áo vàng khi anh đặt balô ở phía trước một lan can.
Tối 17/8, thủ đô Bangkok, Thái Lan rung chuyển vì bom nổ ngay tại đền Erawan, nơi rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới để tham quan. Vụ nổ khiến 20 người thiệt mạng và hơn 120 người khác bị thương.
Chưa đầy 24 giờ sau vụ đánh bom đẫm máu, một thiết bị nổ khác được ném xuống một cầu tàu ở thủ đô Bangkok từ cây cầu bắc qua sông. Nó rơi xuống nước trước khi nổ nên không gây thiệt hại về người.
Nội dung được tham khảo nguồn tin Bangkok Post, đây là một nhật báo giấy khổ rộng bằng tiếng Anh xuất bản ở Bangkok, Thái Lan. Ấn bản đầu tiên được ra mắt ngày 1/ 8/1946. Tờ báo này đã được thành lập bởi Alexander MacDonald, một cựu nhân viên OSS, và phụ tá người Thái của mình là Prasit Lulitanond.