Năm 2022, Thanh Hóa nằm trong nhóm tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước
Ngày 9/12, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi, cho biết: Nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho Thanh Hóa phục hồi nhanh và tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, kinh tế tăng trưởng cao, Thanh Hoá nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước (sau các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hậu Giang, Hưng Yên và Cần Thơ). GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt ước đạt 115 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2021. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Sản xuất công nghiệp - xây dựng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 16,31%; có 22/25 sản phẩm tăng so với cùng kỳ.
Năm 2022, TP Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu có sự phục hồi kinh tế nhanh nhất cả tỉnh trong năm 2022.
Bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Thanh Hóa, cho biết, năm 2022, trong số 36 chỉ tiêu có 22 chỉ tiêu TP thực hiện vượt kế hoạch, 10 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng như: Tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 18,4%, cao hơn 3,1% so với kế hoạch năm; thu ngân sách, huy động vốn đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, tổng mức bán lẻ hàng hóa, thành lập doanh nghiệp mới, giải phóng mặt bằng... vượt kế hoạch, chiếm tỷ trọng cao và đóng góp lớn vào thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
UBND TP Sầm Sơn cho biết, năm 2022 là một năm thắng lợi của TP Sầm Sơn ở tất cả các mặt, đặc biệt là có sự tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay.
Theo đó, năm 2022, TP Sầm Sơn hoàn thành 29/29 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 32,2% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay; thu ngân sách Nhà nước đạt 1.638 tỷ đồng, vượt dự toán tỉnh giao; công tác giải phóng mặt bằng các dự án lớn được thực hiện tốt, xếp thứ 3 toàn tỉnh; chất lượng văn hóa - xã hội được chuyển biến tốt với nhiều sự kiện du lịch, văn hóa, du lịch được tổ chức thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè và du khách...
Du lịch phục hồi mạnh mẽ
Theo đánh giá của tỉnh Thanh Hoá, mặc dù sau thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, toàn tỉnh phải vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa tăng cường các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính vì thế, các ngành dịch vụ trong tỉnh phục hồi nhanh, một số lĩnh vực phát triển mạnh. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh vượt 18,8% kế hoạch và tăng 26,5% so với cùng kỳ.
Trong đó phải kể đến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch. Năm 2022, tổng lượng khách du lịch của tỉnh ước đạt 11,01 triệu lượt khách, bằng 110,1% kế hoạch và gấp 3,2 lần năm 2021 (trong đó có 245 nghìn lượt khách quốc tế, gấp 11,5 lần); tổng thu du lịch vượt 2 11,8% kế hoạch và gấp 4 lần năm 2021.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá cho biết, kể từ khi du lịch chính thức mở cửa trở lại (15/3/2022), các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị tốt các điều kiện về an ninh, an toàn, nhân lực, vật lực để sẵn sàng đón và phục vụ khách du lịch. Đồng thời triển khai xây dựng “điểm đến xanh”, “tuyến du lịch xanh”; liên kết với các địa phương trong nước xây dựng hành lang an toàn đón khách.
Cùng với đó, các giải pháp phục hồi du lịch được triển khai đồng bộ; đẩy mạnh xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá trong nước; đa dạng hóa và làm mới sản phẩm du lịch, tour du lịch đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch... Đặc biệt là sự thành công của hơn 50 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức tại các khu, điểm du lịch trọng điểm.
Theo đó, lượng khách trong năm 2022 có mức tăng trưởng mạnh, gấp 3,22 lần so với năm 2021; tổng thu du lịch đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021 và đạt 111,8% kế hoạch.
Trong số đó phải kể đến 1 số địa phương, hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ.
Theo ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bá Thước, năm 2022 là năm số lượng khách đến Bá Thước tăng mạnh trở lại. Năm 2015, toàn huyện đón 11.600 lượt khách; năm 2017 lên 22.365 lượt khách; năm 2019 đón 44.967 lượt khách; đến năm 2020 đón được 40.199 lượt khách; năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nên lượng khách du lịch giảm, toàn huyện đón 37.237 lượt khách.
Thế nhưng, bước sang năm 2022, đặc biệt là kể từ ngày ngành du lịch Việt Nam mở cửa (15/3), huyện Bá Thước đã đón 82.646 lượt khách, vượt 122% so với năm trước, trong đó khách quốc tế 5.447 lượt, khách trong nước 77.199 lượt. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch trong toàn huyện năm 2022 ước khoảng 120 tỷ đồng.
Ngoài Bá Thước, năm 2022, TP Sầm Sơn, cũng đón trên 7,05 triệu lượt khách du lịch; doanh thu ước đạt 14.134 tỷ đồng, tăng 348% về lượng khách, 473% về doanh thu.
Nguyễn Hải