“Thánh cô chữa bách bệnh” xuất hiện trước Bệnh viện K: Lãnh đạo BV nói gì?
Gần đây, trước cổng bệnh viện K Trung ương ở đường Quán Sứ, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, bất ngờ xuất hiện một người phụ nữ trung tuổi ngồi ngay trên vỉa hè tự xưng có thể chữa bách bệnh.
Người phụ nữ áo đỏ tự xưng là "Thánh cô chữa bách bệnh" đang khám cho người dân. |
Theo một số bệnh nhân ở Bệnh viện K Trung ương đã theo người phụ nữ này chữa bệnh, người phụ nữ này tự xưng là “Thánh chữa bệnh”, có rất nhiều hành động kỳ quặc như mút trán, phun nước vào mặt, đặt đồ lễ lên đầu thậm chí sờ vào vùng nhạy cảm của người bệnh.
“Mặc dù thấy nghi ngờ, nhưng với tâm lý “có bệnh phải vái tứ phương”, dù biết là rất khó tin vào việc chữa bệnh của người phụ nữ này, tuy nhiên, tôi cũng muốn thử một lần xem sao. “Thánh chữa bệnh” chữa bệnh xong, nhưng bệnh của tôi chẳng tuyên giảm tí nào, vẫn thế, nên tôi không tin vào người này” - chị Nguyễn Thị Hòa (40 tuổi, ở Bắc Giang) cho biết.
Một hành động kỳ quặc của người phụ nữ này. |
Còn chị Lê Thị Hoa (40 tuổi, ở Nam Định, đang trông chồng ung thư ở BV K) lại cho rằng: “Người phụ nữ tự xưng Thánh chữa bệnh không phải đến cổng bệnh viện chữa bệnh mà đến làm từ thiện. Nhiều người được người phụ nữ này cho tiền, cơm, sữa… động viên mọi người cố chữa bệnh”.
Còn nói về hành vi của người phụ nữ hôn, phun nước, sờ vào mặt các bệnh nhân, chị Hoa phần trần: “Đó là bà ấy thể hiện tình cảm, không phải chữa bệnh. Trước đó, bà ấy từng chết đi sống lại, nên bây giờ mới có kiểu làm đó”.
Người phụ nữ áo đỏ đang bắt đầu làm "phép" cho người bệnh. |
Trao đổi với PV Infonet, PGS- TS Trần Văn Thuấn – Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương thông tin: “Có một đối tượng đến trước cổng bệnh viện xưng chữa bệnh bằng phương pháp phản khoa học gần đây là có thật. Ngay sau khi phát hiện ra vụ việc, phía bệnh viện đã có công văn gửi công an thành phố Hà Nội để phối hợp xử lý.
Những đối tượng này “hành nghề” ngoài bệnh viện nên phía bệnh viện rất khó để giải quyết dứt điểm, vì thế bệnh viện cần phải phối hợp với nhiều lực lượng chức năng, đặc biệt là công an phường, quận và Thành phố Hà Nội để xử lý. Hành lang pháp lý để xử lý những đối tượng như thế này chưa cụ thể rõ ràng, nên ngoài việc phối hợp với các cơ quan chức năng, bệnh viện phải kết hợp với tuyên truyền cho người bệnh để không cả tin vào những phương pháp phản khoa học trên”.
PGS.TS Trần Văn Thuấn trao đổi với PV Infonet. |
Theo đó, công văn Bệnh viện K gửi Công an Thành phố Hà Nội nêu rõ: “Từ ngày 3/10, tại cửa bệnh viện xuất hiện một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa từ thiện, nhưng thực chất là tuyên truyền mê tín dị đoan, lợi dụng sự cả tin của người bệnh để truyền bá cách thức chữa bệnh thần bí phi khoa học. Việc làm tùy tiện của các cá nhân trên, dẫn đến việc tụ tập làm mất trật tự an ninh trước cửa bệnh viện, gây tâm lý hoang mang cho không ít người bệnh và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện K…”.
PGS- TS Trần Văn Thuấn cũng khuyến cáo người bệnh rằng: Tâm lý “có bệnh phải vái tứ phương” nhưng đừng để ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Để chữa bệnh ung thư thì dùng các phương pháp như: phẫu thuật, hóa chất và dùng thuốc. Việc áp dụng theo phương pháp nào hay kết hợp các phương pháp điều trị còn tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh.
Việc phát hiện ung thư càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao. “Đặc biệt, người dân không nên tin vào các phương pháp không chính thống như cúng bái, xoa bóp hay dùng nước thánh… Bởi, việc tin theo các phương pháp này, ngoài việc đánh mất cơ hội điều trị khoa học thì người bệnh còn tốn rất nhiều tiền của. Thực tế tại bệnh viện đã gặp một số trường hợp chữa bệnh theo phương pháp này, nhưng sau không khỏi phải mang đến bệnh viện. Tuy nhiên, khi đến viện thì đã ở giai đoạn muộn, thậm chí có trường hợp đã tử vong”.
Ở một diễn biến khác cũng liên quan đến vụ việc nêu trên, một bác sĩ bệnh viện cho biết, đây là đối tượng rất “cứng đầu”. Khi bảo vệ bệnh viện và công an, thậm chí là bác sĩ ra khuyên người dân, đối tượng này sẵn sàng “ăn vạ” bằng cách lăn ra đất hoặc quay lại chửi bới các nhân viên.