Thầm lặng cứu người bằng những giọt máu quý hiếm
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng máu dự trữ dành cho các ca cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân đang khan hiếm. Để giảm thiểu tình trạng khan hiếm máu, nhiều người vẫn tiếp tục thầm lặng “hiến giọt máu đào - trao đời sự sống”.
Tại điểm hiến máu cố định của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tại 26 Lương Ngọc Quyến (Hà Nội), mới đầu giờ sáng nhưng đã có đông người đến đăng kí hiến máu, bàn đăng kí và ghế ngồi đợi hiến máu được sắp xếp đúng khoảng cách an toàn, người tham gia hiến máu được kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay và khai báo y tế đầy đủ trước khi vào hiến máu.
Với mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình và thể hiện trách nhiệm đối xã hội, cộng đồng, 5 năm nay, anh Nguyễn Anh Tuấn (quận Long Biên, Hà Nội) đều đặn tham gia hiến máu mỗi năm 2 lần. Nghe thông tin nguồn máu dự trữ đang khan hiếm do dịch diễn biến phức tạp, anh đã sẵn sàng hiến những giọt máu đào - trao đời sự sống.
“Tôi mong muốn góp một phần công sức nhỏ để giúp cho cộng đồng và ngân hàng máu không bị thiếu hụt, khan hiếm, giúp cho những người cần thiết. Tất cả các y bác sĩ đầu ngành đã được tiêm vắc xin, mọi người đều thực hiện 5K: khẩu trang, khử khuẩn đầy đủ, nói chung là rất an toàn”, anh Tuấn nói.
Thực hiện nghiêm quy định đảm bảo an toàn mùa dịch đối với người đến hiến máu. |
Với anh Nguyễn Thái Lân (quận Long Biên, Hà Nội), hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp, cần được nhân rộng, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể tổ chức các hoạt động hiến máu quy mô lớn.
“Trong thời điểm dịch bệnh, nghe được thông tin ngân hàng máu của bệnh viện cũng rất hạn chế. Là một công dân, mình thấy có khả năng hiến máu để tăng thêm ngân hàng máu để cứu người, chỉ nghĩ đơn giản thế thôi bởi dịch bệnh chắc nhiều người không đi hiến máu được”, anh Lân nói.
Đối với bất kể ai, dù là khỏe mạnh hay ốm bệnh, máu vẫn là sự sống. Đặc biệt, với người bệnh, từng đơn vị máu càng trở nên quý giá bởi đó không chỉ là sự giúp đỡ, sự sẻ chia của cộng đồng, mà chính là nguồn sống, là cơ hội để được hồi sinh, và để tiếp tục sống, hy vọng.
Hiểu được giá trị của từng gọt máu trao đi, chị Bùi Lan Anh (ở Hà Nội) và ông Trần Nam Quân (62 tuổi, ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) đã thường xuyên hiến máu tình nguyện. Họ không nhớ nổi số lần hiến máu tình nguyện bởi luôn tâm niệm hiến máu tình nguyện là vì sức khỏe cộng đồng.
Chị Lan Anh cho biết thêm: “Tôi nghĩ là việc này không chỉ mình kêu gọi đâu, mà bất kỳ hoàn cảnh nào, bất cứ khi nào có ai cần tôi cũng sẵn sàng để hiến máu, bởi những lúc người ta cần máu nhất người ta mới thấy giá trị của những giọt máu như thế nào".
“Trước tình trạng thập tử nhất sinh của bệnh nhân, nếu không có máu thì họ sẽ tử vong. Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, chị Lan Anh bày tỏ.
Những bệnh nhân cần máu hiểu rõ tầm quan trọng của những giọt máu hơn ai hết. Khắc khoải chờ máu, cảm giác cận kề cái chết là những cảm xúc không thể nào quên đối với bệnh nhân. Chị Nguyễn Thị Xuân (ở Thanh Hóa, bệnh nhân suy tủy xương) và chị Phạm Thị Thoan (ở Nam Định, bệnh nhân tan máu bẩm sinh) không thể diễn tả hết sự biết ơn với những người đã trao cho mình những giọt máu đào.
Chị Xuân cho biết: “Thời điểm mà không có máu để truyền thì trông ngóng, mong mỏi, trong lúc đó, mọi tư tưởng tâm tư đều đặt vào những người đi hiến máu bởi cuộc sống của mình phụ thuộc vào đấy. Thực sự tôi rất biết ơn bạn đã hiến máu để cứu sống không chỉ tôi mà cả những bệnh nhân khác. Thực sự cầu mong các bạn, gia đình khỏe, hạnh phúc và bình an”.
“Tôi đã từng chứng kiến những bệnh nhân có nhóm máu hiếm phải chờ đợi hàng tháng mới có máu để truyền. Mỗi lần bệnh nhân được trao những bịch máu là thấy ánh sáng, thấy sự sống của ngày mai. Cảm ơn những người đã chia sẻ một phần máu để cứu sống chúng tôi”, chị Thoan nói.
Năm 2020, dịch bệnh đã ảnh hưởng tới dịch vụ truyền máu toàn thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam, cả nước đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu, trong đó, 99% lượng máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện. Qua đó có thể thấy, những người hiến máu tình tình nguyện bất kể ngày mưa hay ngày nắng, dịch bệnh, họ vẫn luôn âm thầm trao đi những giọt máu đào để nhiều cuộc đời ở lại. Nghĩa cử cao đẹp này, đã giúp hàng nghìn lượt bệnh nhân được hồi sinh từ những giọt máu quý hiếm.
Theo vov.vn