Thách thức cho giấc mơ kỳ tích Việt Nam 2045

Sau gần 40 năm cải cách, đến nay chúng ta vẫn chưa có được những doanh nghiệp tư nhân ngang tầm thế giới. Đây là thách thức để đạt giấc mơ kỳ tích Việt Nam 2045.

LTS: Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã được xác định trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường sau Nghị quyết 10 năm 2017. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tinh thần của không ít cán bộ quản lý, để đảm nhận vai trò này.

Hai câu chuyện riêng

Sau Tết vừa rồi, tôi có cơ hội gặp lại mấy doanh nhân từng làm chủ các công ty nhập khẩu ô tô mà tôi từng đồng hành cách đây chừng sáu, bảy năm. Hồi đó, họ lập doanh nghiệp, đầu tư mở các gara sửa chữa ô tô, mở các showroom nhập khẩu xe ô tô về Việt Nam nhờ chính sách hội nhập.

Nhưng rồi, “đánh đùng một cái”, Bộ Công thương ban hành Thông tư 20 chỉ cho phép nhà sản xuất chính hãng nhập khẩu ô tô. Thậm chí, quy định này được đưa vào luật. Vậy là bao nhiêu công sức, hệ thống, tiền đầu tư, kinh doanh đều đổ sông, đổ biển.

Tôi đã đồng hành với họ suốt chặng đường họ kêu than vì chính sách lúc đó, chứng kiến họ lâm vào hoàn cảnh rất thương xót, mắc nợ. Rồi thời gian bẵng đi cho đến hôm vừa rồi.

“Chúng tôi về hưu rồi. Giờ không dám làm gì nữa”, họ nói. Giờ họ đã là những người đàn ông tóc nhuốm bạc, không còn vẻ mạnh mẽ, khát khao của những doanh nhân hồi đó.

 Rốt cuộc chúng ta muốn có một nền công nghiệp ô tô hay không?. Ảnh: Hoàng Hà

Nhân đây, lại xin kể một câu chuyện khác. Tôi có dịp trao đổi với một hộ gia đình nuôi lợn tại tỉnh Hải Dương muốn liên kết với một doanh nghiệp Thái Lan. Đối tác Thái Lan cung cấp vốn, giống và lo đầu ra, còn hộ ở Việt Nam có nhiệm vụ xin phép xây dựng chuồng trại, chăm sóc, lo dịch tễ...

Mô hình phát triển khá tốt, phía đối tác Thái Lan mong muốn để hộ Việt Nam nâng cấp mô hình này lên. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ, đối tác Thái Lan quyết định không làm nữa vì hộ gia đình này không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh trong quy hoạch nuôi lợn ở địa phương.

Hai câu chuyện trên, tất nhiên, còn lâu mới đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng nó có điểm chung: rủi ro trong môi trường kinh doanh là do chính sách thay đổi, không lường được.

Khi doanh nghiệp sợ lớn

Nhiều người hay ca ngợi, chúng ta có nhiều tỷ phú, triệu phú. Chúng ta lại có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn như Vin, Thaco, Nova, Hòa Phát, Masan, VietJet Air, FPT… Điều đó là đúng, nhưng chưa đủ. Lẽ ra chúng ta phải có nhiều tập đoàn lớn hơn, chứ không chỉ vài doanh nghiệp như vậy, lại tập trung ở thị trường nội địa là chính, chứ đâu có cạnh tranh quốc tế!

Xin minh hoạ bằng một vài số liệu: Khu vực doanh nghiệp chính thức của Việt Nam mới chỉ chiếm 10% GDP, trong khi đó khu vực FDI chiếm 22% GDP còn khu vực doanh nghiệp phi chính thức (hộ gia đình) chiếm 33% GDP.

Con số nói lên một thực tế: kinh tế Việt Nam vẫn nhỏ li ty, phụ thuộc lớn vào kinh tế hộ gia đình và FDI.

Từ lâu đã xuất hiện câu chuyện doanh nghiệp tư nhân Việt Nam “không chịu lớn”. Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 97% số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa, trong đó tuyệt đại đa số là doanh nghiệp tư nhân. Trong số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 50% có doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm; khoảng 13% có doanh thu từ 3 đến 10 tỷ đồng/năm. Số doanh nghiệp có doanh thu trên 300 tỷ đồng/năm chiếm chưa đến 1%.

Các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, dù gia tăng về số lượng thành lập theo thời gian nhưng lại nhỏ đi đáng kể về quy mô vốn và lao động trung bình. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có sự sụt giảm khá mạnh mẽ của doanh nghiệp quy mô vừa và lớn trong giai đoạn trước dịch Covid. Một doanh nghiệp tư nhân điển hình hiện nay có chưa đến 20 nhân viên và 1,2 tỷ đồng (54.000 USD) vốn đầu tư cố định. Điều này đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế của những doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với tỷ lệ xấp xỉ 96%. Trong đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đa số, tới gần 70%.

Quy mô nhỏ, doanh thu thấp, nên đại đa số doanh nghiệp tư nhân rất hạn chế trong việc thu hút nhân lực có tay nghề, trình độ; khó huy động tài chính; thiếu vốn đầu tư vào công nghệ, thiết bị, máy móc... nên chỉ tạo ra năng suất thấp và năng lực cạnh tranh rất yếu.

 Kinh tế Việt Nam vẫn nhỏ li ty, phụ thuộc lớn vào kinh tế hộ gia đình và FDI.

Việt Nam đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, thiếu vắng các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn dẫn đến mục tiêu này khó đạt được bởi họ chính là các trụ cột của nền kinh tế, là xương sống tạo ra các chuỗi cung ứng, để dẫn dắt các doanh nghiệp khác phát triển.

Vào thời điểm lẽ ra các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần phát triển lớn mạnh, vươn lên gánh vác trọng trách lớn lao của đất nước, thì tầm vóc lại rất nhỏ bé và manh mún.

Phải làm nên sự thần kỳ

Báo cáo của học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về kinh tế tư nhân mới đây đã chỉ ra những nguyên nhân cụ thể. Vẫn có tâm lý e ngại kinh tế tư nhân lớn mạnh sẽ thao túng nền kinh tế; có sự phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân với các khu vực kinh tế khác; sự nhũng nhiễu phiền hà của các cán bộ công chức trong thực thi công vụ, khiến cho kinh tế tư nhân gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước vẫn thiên về kiểm soát, nên có xu hướng ban hành nhiều quy định còn chồng chéo, khiến doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong vận dụng.

Trong khi đó, VCCI cũng chỉ ra một loạt những vấn đề làm nản lòng các doanh nghiệp tư nhân. Đó là sự phân biệt đối xử, phải đi lại nhiều lần lo các thủ tục hành chính, phải xin nhiều giấy phép kinh doanh có điều kiện, bị thanh kiểm tra nhiều, bị cán bộ nhũng nhiễu suy luận bất lợi, chi phí bôi trơn lớn, gặp khó trong tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, khó tiên đoán về sự thay đổi và thực thi chính sách pháp luật kinh doanh… Lúc khởi nghiệp chủ doanh nghiệp nào cũng tràn đầy kỳ vọng về tương lai. Tuy nhiên, khi đi vào sản xuất kinh doanh, do vấp phải những vấn đề trên khiến cho họ nản lòng.

Nhắc lại những rào cản, tâm lý như trên không phải để làm nản lòng, mà để chúng ta xác định được những yếu kém để khắc phục, vươn lên.

Để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển, trước hết cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thông thoáng và bình đẳng. Các chính sách với doanh nghiệp tư nhân, cần tiếp tục được hoàn thiện, theo hướng không chỉ tạo thuận lợi trong gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp "sống sót" và tăng trưởng.

Tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, làm cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, cản trở doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cải thiện năng suất, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Bên cạnh đó, cần có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, đồng thời nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Những ưu đãi lớn dành cho FDI và doanh nghiệp Nhà nước hiện nay, cần phải dành cho cả doanh nghiệp tư nhân. Đặt tất cả trong một “sân chơi” bình đẳng. Đảm bảo các nguồn lực được đưa đến những công ty sáng tạo, hiệu quả nhất.

Cần xây dựng được các tiêu chí về doanh nghiệp “sếu đầu đàn” như: quy mô doanh nghiệp, năng lực công nghệ, năng suất lao động, trình độ nguồn nhân lực, sức lan tỏa và bảo vệ môi trường… Từ đó ban hành các chính sách khuyến khích hình thành những “sếu đầu đàn” để tạo sự lan tỏa và dẫn dắt nền kinh tế.

Đây là những giải pháp vô cùng quan trọng, để tạo ra một đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, mang lại “sự thần kỳ 2045”.

**

Sau cuộc hội ngộ với những doanh nhân nhập khẩu ô tô thưở nào, tôi đọc được nhiều bài báo phản ánh Việt Nam đang cấp phép ào ạt cho nhập khẩu ô tô, cho nhiều liên doanh, nhà đầu tư nước ngoài sản xuất ô tô. 

Thực sự, tôi cảm thấy rất chạnh lòng và khó hiểu. Vậy rốt cuộc chúng ta muốn có một nền công nghiệp ô tô hay không? Hay chỉ là gia công, nhập khẩu từ nước ngoài về tiêu dùng? Những cái giá mà những doanh nhân nhập khẩu ô tô phải trả là vì điều gì?

Trần Thuỷ

Hàng made in Moscow ‘phủ sóng’ Vietnam Expo 2024

Gian hàng với chủ đề "Made in Moscow" được trưng bày tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam (Vietnam Expo) lần thứ 33 mới đây tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE) tập hợp các sản phẩm từ 14 doanh nghiệp Nga thuộc nhiều lĩnh vực.

Diễn biến mới vụ 2 khách hàng tố mất hàng chục tỷ đồng tại MSB

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) đã chuyển đơn kiến nghị, phản ánh của hai khách hàng vụ mất hàng chục tỷ đồng khi gửi tiền tại MSB Chi nhánh Thanh Xuân đến Ngân hàng MSB.

Agribank lần thứ 9 liên tiếp được vinh danh giải thưởng Sao Khuê

Vượt qua nhiều giải pháp, 2 hệ thống/sản phẩm của Agribank được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024, đánh dấu lần thứ 9 liên tiếp (2016-2024) Agribank nhận giải thưởng này.

Cơ chế giá điện 2 thành phần là công bằng hơn giá điện 1 thành phần

Hiện Việt Nam áp dụng biểu giá điện 1 thành phần, tức là biểu giá điện tính theo điện năng. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng giá điện 2 thành phần.

Bảo hiểm FWD gây ấn tượng với thông điệp truyền cảm hứng mới

Mới đây, FWD Việt Nam tiếp tục chứng minh sức mạnh vượt trội trong cách khai thác thông điệp cùng hình tượng sáng tạo nhưng gần gũi thông qua chiến dịch thương hiệu mới “Sống đầy cùng FWD Bảo hiểm dễ hiểu” (Time to play).

Agribank dành 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, lãi suất chỉ từ 4,0%/năm

Khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng như: mua nhà, sửa nhà, mua xe… có thể tiếp cận nguồn vốn 10.000 tỷ đồng của Agribank, với lãi suất chỉ từ 4,0% /năm.

Xóa độc quyền vàng miếng, giá vàng SJC sẽ lập tức giảm mạnh

Theo các chuyên gia, chỉ cần Ngân hàng Nhà nước xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, chưa cần đến việc cho nhập khẩu vàng hay không thì giá vàng sẽ lập tức giảm đến 5 triệu đồng mỗi lượng.

Vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Eximbank nói cán bộ xử lý quá máy móc

Theo lãnh đạo Ngân hàng Eximbank, cán bộ xử lý thẻ phải căn cứ vào vụ việc, đề xuất mức thu lãi, báo cáo lãnh đạo trước khi làm việc với khách hàng. Nhưng cán bộ đã quá máy móc khi gửi thông báo đến cho khách mà chưa báo cáo lãnh đạo.

Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Ngân hàng có buộc phải xóa nợ?

Vụ việc khách hàng của Eximbank là anh P.H.A nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng thành 8,8 tỷ đồng vẫn chưa ngã ngũ. Nếu 2 bên không có tiếng nói chung, một bên không trả nợ, một bên không sửa trên hệ thống thì khoản nợ mãi treo lơ lửng.

Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Cần biết để không 'lụt nợ' vì thẻ

Vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị biến thành món nợ 8,8 tỷ gây nhiều tranh cãi. Nợ xấu để lại hệ luỵ cho cả người vay lẫn ngân hàng. Chủ thẻ tín dụng cần lưu ý gì để không phải rơi vào tình huống bị đòi những khoản nợ không tin nổi?