Tết Việt ở Úc, chẳng thiếu thứ gì nhưng tôi vẫn thấy... chênh vênh
Một góc chợ tết ở Melbourne, Úc. |
Thêm một cái Tết xa nhà!
Chị Đỗ Hồng Minh, từng có thời gian dài sinh sống ở nước ngoài, quay trở về Việt Nam nắm giữ vị trí quan trọng trong tập đoàn kinh doanh khách sạn 5 sao. Nhưng rồi 2 năm trước, chị lại phải rời xa quê hương lần nữa.
Chị nhớ lại, lúc ấy cũng nhiều trăn trở, câu hỏi lớn nhất đặt ra là “đó có phải là sự liều lĩnh và hy sinh quá lớn khi cuộc sống, sự nghiệp đang ở đỉnh cao?. Nhưng nghĩ đến tương lại của cô con gái nhỏ, tôi đã quyết định xa quê hương một số năm, để bắt tay xây dựng lại từ đầu sự nghiệp và cuộc sống nơi xứ người”.
Theo chị Minh, đối với mỗi người con xa xứ, cuộc sống bận rộn mỗi ngày sẽ làm khuây khỏa đi nỗi nhớ gia đình, bạn bè tại Việt Nam. Nhưng dù có bận bù đầu đến mấy, thì khi ngày Tết Việt cận kề, trái tim chị lại thổn thức khôn nguôi. Nỗi nhớ nhà càng cồn cào da diết.
“Năm nay là năm thứ hai mẹ con tôi ăn tết nơi xứ người. Mặc dù cộng đồng người Việt bên Úc Châu vẫn thường tổ chức hội chợ Xuân hàng năm với các hoạt động múa lân, hát hò tưng bừng bên cạnh các gian hàng tết đầy màu sắc tại nhiều khu phố khác nhau.
Tuy nhiên, tôi vẫn thấy chênh vênh và thiếu thốn, nhớ cái không khí se lạnh và khung cảnh quây quần ấm cúng nơi quê nhà. Nhớ cả những lúc lang thang đi chọn mua từng chậu quất cành đào mang về trang trí trong nhà...”, qua điện thoại, giọng chị Minh nghèn nghẹn nơi cổ kể với PV Infonet.
Vào dịp giao thừa, chị Đỗ Hồng Minh lại cùng con gái đi lễ chùa cầu mong một năm mới bình an. |
Tết Việt bên này không phải là kỳ nghỉ lễ lớn như dịp Noel hay Tết Tây của người bản xứ, nên chị Minh vẫn đi làm như bình thường. Mặc dù không có thời gian gói bánh nhưng chị vẫn đặt mua bánh chưng, giò, xôi gấc, gà tươi từ trang trại để chuẩn bị cho đêm Giao thừa. Thêm mâm ngũ quả, cành hoa tươi, bát canh măng mọc... là mâm cúng đêm 30 trở nên tròn đầy.
“Còn nhớ năm ngoái là cái Tết đầu tiên xa quê, hai mẹ con căn đúng thời khắc Giao thừa giờ Việt Nam, thắp hương khấn vọng từ xa. Nỗi nhớ nhà và gia đình khắc khoải hơn bao giờ hết..”, chị òa khóc như đứa trẻ khi nhớ về giây phút năm đầu cùng con gái xa quê nhà Việt Nam.
Ngưng một lát, chị tiếp lời: "Đêm 30 ở bên này, người Việt vẫn cùng gia đình đi lễ chùa cầu xin sức khỏe và may mắn. Giống như mọi người, năm nay hai mẹ con tôi cũng sẽ nắm tay nhau hòa mình vào dòng người Việt đông đúc, hướng về Đức Phật cầu xin một năm mới an lành".
Tết ở bên trong - sâu thẳm nơi tâm hồn
Cũng có những nỗi nhớ thẳm sâu trong lòng mỗi độ Tết đến Xuân về như thế, anh Lại Trọng Tình - một người gốc Việt sinh sống nhiều năm tại Úc cho rằng, tiết khí và thời giờ là hai thứ khiến cho không gian Tết cổ truyền nơi này khó mang trọn màu sắc của không gian văn hóa Việt.
Bởi một tháng trước ngày cuối cùng năm Âm lịch, ghé bất cứ một cửa hàng thực phẩm Á Châu nào, người Việt xa quê hương cũng có thể mua cho gia đình một vài sản phẩm mang màu sắc Tết cổ truyền của Việt Nam.
Đó là một chậu mai vàng bằng nhựa thả mấy phong ngũ sắc thần tài, là cặp bánh chưng dán tờ hồng điều chữ phúc, hay gạo nếp, đỗ xanh, lá gói bánh cũng được tăng cường… Muôn việc cho ngày Tết cổ truyền của người Việt tại Úc cũng đều đủ cả, chỉ thiếu có mưa phùn gió bấc (nét đặc trưng của tiết Xuân của Miền Bắc).
Anh Tình cũng cho biết, hơn bốn chục năm nay, ở khắp các vùng nơi người Việt tụ hội sinh sống làm ăn ở Úc như: Alban, Richmond, Springvale ở Melbourne, Inala ở Brisbane hay Cabramatta - nơi được mệnh danh là thủ đô người Việt Úc châu. Cứ mỗi khi Tết cổ truyền đến gần, những người mà tuổi tác và nỗi nhớ quê hương đều lớn, đều luôn cố gắng tổ chức những hội chợ Xuân. Một vài bàn cờ tướng, một số đêm ca nhạc quê hương, mua xổ số, múa lân sư... để cùng nhau hướng về nguồn cội.
Đặc biệt, trong mâm cơm chiều 30 Tết dưới bàn tay đảm đang của các bà nội trợ cũng có: giò, chả, nem rán, canh măng sườn, xôi gấc, thịt gà vàng ươm, nấm hương mộc nhĩ miến giong hành lá, mùi già, thứ gì cũng có. Bạn bè ngoại quốc dù bận bịu ban chiều, nhưng cũng đủ gần gũi thân quen để tụ tập ngay khi Mặt trời vẫn còn treo lơ lửng đầu ngọn hải đăng phía biển để cùng nhau đón Tết Việt.
Chén mừng được nâng lên trong lúc nồi bánh chưng góc vườn đang còn sôi sùng sục quện mùi lá dong. Tiếng nói cười rộn rã kết thúc một ngày làm việc bình thường, những câu chuyện giờ này năm xưa bắt đầu bày ra thành mâm Tết. Chợt một luồng hơi nóng cuối chiều từ biển thổi qua, tất cả ai cũng như chững lại để hỏi mình: Liệu có thể chăng chỉ là một cái Tết ở bên trong - sâu thẳm nơi tâm hồn của những người con xa xứ?