Tên lửa Trung Quốc có thể phóng nhiều đầu đạn nhờ công nghệ Mỹ
Mới đây, Trung Quốc đã ra quyết định trang bị loại tên lửa lợi hại nhất của mình là DF-5, có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ với nhiều đầu đạn thay vì chỉ một chiếc. Thông tin này được công bố lần đầu tiên vào đầu tháng này trong báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về các chương trình quân sự và quốc phòng của Trung Quốc.
Đây là công nghệ mà Mỹ là nước đi đầu trong việc sử dụng, có tên là tên lửa nhiều mục tiêu độc lập (MIRV), được Mỹ phát triển vào thời điểm nước này còn cạnh tranh với Liên Xô. Tên lửa MIRV có thể trang bị 10 đầu đạn, mỗi đầu đạn có thể được bắn đi các mục tiêu khác nhau, khiến cho sức sát thương của nó lớn hơn rất nhiều.
Trung Quốc đã có công nghệ lắp đặt nhiều đầu đạn vào tên lửa từ nhiều thập kỷ qua. |
Tuy nhiên, loại tên lửa này có thể sẽ trở thành một mục tiêu chính và đối phương sẽ tìm cách tiêu diệt chúng trước khi chúng được phóng đi. Do MIRV cần phải phóng trước để phát huy hiệu quả, chúng được coi là một loại vũ khí gây mất ổn định an ninh thế giới và bị giới hạn sử dụng theo hiệp ước SALT II được ký vào năm 1979.
Năm ngoái, nhiều năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đã hoàn thành việc tháo dỡ các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman 3, qua đó mỗi quả giờ chỉ được lắp đặt một đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, các loại tên lửa trên tàu ngầm Mỹ vẫn có nhiều đầu đạn, cũng như các tên lửa của Nga. Pháp và Anh cũng có tên lửa MIRV.
Động thái mới của Trung Quốc không thể hiện sự phát triển về khả năng tấn công hạt nhân của nước này. Họ là một trong 5 cường quốc hạt nhân trên thế giới và bị giới hạn bởi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, bao gồm Hiệp ước Chống phổ biến Vũ khí hạt nhân. Ước tính Trung Quốc có 250 đầu đạn, 20 tên lửa DF-5, mỗi tên lửa được trang bị 3 đầu đạn. Kho vũ khí này thực tế chỉ bằng một phần nhỏ số lượng mà Mỹ và Nga đang có.
Tuy vậy, việc Trung Quốc quyết định lắp đặt các tên lửa với nhiều đầu đạn đã dấy lên những lo ngại đáng kể. Và mặc dù kho vũ khí của Trung Quốc đang tăng lên một cách chậm chạp, việc lắp đặt nhiều đầu đạn sẽ khiến vũ khí hạt nhân được sản xuất nhiều hơn, gây ra những nghi ngờ về sự cam kết dùng vũ khí với mục đích quốc phòng của nước này.
Các kỹ sư kiểm tra một loạt đầu đạn cho tên lửa Peacekeeper của Mỹ. |
Hơn nữa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình áp dụng một chính sách kinh tế và đối ngoại mạnh bạo, bao gồm việc xây dựng đường băng trên các đảo tranh chấp trên Biển Đông, và khiến các nước lân cận quan ngại và ngày càng tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ.
Sự phát triển của hệ thống phòng thủ tên lửa hướng về châu Á rất có thể cũng đã ảnh hưởng đến quyết định của Trung Quốc. Nước này từ lâu đã lo về khả năng tồn tại của các vũ khí hạt nhân của mình. Mặc dù Mỹ khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh chỉ nhằm tấn công các tên lửa của Triều Tiên trước khi phóng đi, Trung Quốc lo rằng một số vũ khí của mình có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Một nguyên nhân khác mà Trung Quốc nâng cấp tên lửa của mình là để tạo lợi thế trước Ấn Độ, một trong những đối thủ trong khu vực, từ lâu đã nỗ lực cải tiến các loại tên lửa tầm xa của họ. Tuy nhiên, động thái của Trung Quốc có thể sẽ khiến Ấn Độ gấp rút hơn, một phần là bởi Trung Quốc, phần khác là bởi Pakistan có thể sẽ có công nghệ MIRV từ Trung Quốc, vốn là đồng minh của Pakistan.
Những bước tiến này đã tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với các cường quốc hạt nhân khác nếu có thể, nhằm đảm bảo sự ổn định chiến lược tại châu Á. Trung Quốc không muốn đối thoại trực tiếp, nhưng phía Mỹ nói rằng các quan chức hai nước đã có cuộc hội đàm không chính thức có thể làm nền tảng cho đàm phán. Bản thân các nước Mỹ, Anh, Pháp và Nga cũng có thể dần phải loại bỏ công nghệ trang bị nhiều đầu đạn để cuộc đàm phán diễn ra thuận lợi.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ tờ The New York Times. Đây là một nhật báo trực thuộc Công ty New York Times, được phong tặng tên hiệu "Bà tóc bạc" ("Gray Lady") và được xem là tờ báo danh giá (newspaper of record) và quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.