Tên lửa S-400 của Nga sẽ bảo vệ Crimea khỏi “Holigan NATO”
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph của Nga. |
Với việc bố trí các tổ hợp tên lửa mới nhất S-400 thường trực trên bán đảo Crimea, Nga đã sẵn sàng bảo vệ bầu trời bán đảo này trước bất cứ mối đe dọa và khiêu khích nào từ trên không, cũng như tự bảo vệ được mình trước “Holigan NATO”.
Nhận định trên do tạp chí Washington Times của Mỹ đưa ra.
Theo đó, các tổ hợp tên lửa mới nhất tầm xa và tầm trung của Nga có thể tiêu diệt bất cứ mục tiêu khí động học nào ở tầm xa 400km. Theo một quan chức Crimea, việc Nga chuyển các hệ thống S-400 đến bố trí ở Crimea sẽ cho phép Nga gần như “đóng cửa” bầu trời Crimea trước bất cứ đòn tấn công và khiêu khích nào từ trên không. S-400 sẽ trở thành nhân tố quan trọng trong việc kiềm chế “Holigan NATO”.
“Đối với tất cả những ai muốn “lảng vảng” gần không phận Crimea hoặc thâm nhập vào khu vực này thì hành động này cũng đồng nghĩa với tự sát. Rõ ràng, NATO có không quân hùng hậu nhưng họ hoàn toàn không dám mạo hiểm”- Washington Times trích dẫn lời quan chức Crimea.
Trước đó, hồi tháng 5/2016, đại diện thường trực của Nga tại NATO Aleksandr Grushko tuyên bố rằng Moscow sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ lãnh thổ mới của mình.
“Hiện nay, NATO đang cố gắng chuyển sơ đồ xung đột đến khu vực Biển Đen… NATO hiểu rõ rằng Biển Đen sẽ không bao giờ trở thành “ao làng” của NATO và chúng tôi sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để vô hiệu hóa các mối đe dọa tiềm năng và các nỗ lực gây sức ép bằng sức mạnh lên Nga từ phía Nam”- Washington Times trích dẫn lời của Aleksandr Grushko.
Được biết, hôm thứ sáu vừa qua, Phó chỉ huy Trung đoàn tên lửa số 18 thuộc sư đoàn Phòng không số 31 của Nga Evgheni Oleinikov thông báo rằng Bộ Quốc phòng Nga dự định sẽ chuyển một trung đoàn tên lửa S-400 Triumf đến trực chiến tại Crimea.
Hiện nay, không phận bán đảo Crimea của Nga đang được bảo vệ bởi các tổ hợp S-300.
Theo một số nguồn tin, để đáp trả sự gia tăng hiện diện quân sự của NATO tại khu vực Đông Âu, Nga có thể sẽ bố trí ở khu vực Baltic và Biển Đen 2 trạm radar hiện đại “Podsolnukh” có khả năng kiểm soát được khu vực lên đến 200 dặm.
Hồi tháng 2/2016, các phương tiện truyền thông cho rằng Nga đang sử dụng các hệ thống phòng không tối tân S-400 được bố trí tại các căn cứ quân sự của Nga tại tỉnh Kaliningrad. Các tổ hợp này có bán kính hoạt động bao trùm phần lớn mặt biển Baltic và Biển Đen nhằm tạo khu vực cấm bay đối với không quân NATO. Ngoài ra, việc cung cấp các tổ hợp S-300 cho Iran cũng có thể giúp Iran tạo lập khu vực cấm bay tương tự ở Trung Đông.