Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Nga – Mỹ: “Mèo nào cắn mỉu nào”?
Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga vượt trội Mỹ? |
Quan hệ giữa Nga với NATO (thực chất là quan hệ giữa Nga với Mỹ) đã trở nên xấu đi đáng kể trong những năm gần đây. Sự xấu đi này, theo The National Interest (NI), đã khiến hai quốc gia này luôn trọng trạng thái sẵn sàng đương đầu với khả năng xảy ra xung đột hạt nhân.
Những cuộc tập trận và các tuyên bố của giới lãnh đạo hai nước đang chứng minh cho xu thế này. Căng thẳng giữa Moscow với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO, càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Khi tiến hành so sánh số lượng các thiết bị phóng tên lửa của hai bên, NI đưa ra kết luận rằng trong lĩnh vực này, tiềm lực của hai bên là tương đồng.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát đi tuyên bố cho rằng Mỹ đang sở hữu 741 bệ phóng tên lửa và 1481 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Nga có trong kho vũ khí của mình 521 thiết bị mang tên lửa với số đầu đạn hạt nhân là 1735 đầu đạn.
Theo NI, số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được bố trí trên mặt đất của Mỹ đã “bị kẹt lại” từ những năm 1970. Mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bố trí trên mặt đất có trong trang bị Quân đội Mỹ hiện chỉ có mẫu duy nhất là tên lửa LGM-30G “Minuteman-3” được trang bị đầu đạn W87 với công suất 300 kiloton.
Tên lửa mới nhất loại này được sản xuất đã khá lâu, từ năm 1978. Điều đó có nghĩa là tên lửa đạn đạo “trẻ nhất” của Mỹ đã 38 tuổi. Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất với tên gọi GBSD (phương tiện kiềm chế chiến lược bố trí trên mặt đất) hiện vẫn đang trong giai đoạn tranh luận nhưng hiện Nhà Trắng và các quan chức khác đang phản đối kế hoạch này.
Trong khi đó, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bố trí trên mặt đất của Nga đa dạng hơn nhiều so với Mỹ. Trong năm 2015, lực lượng tên lửa chiến lược của Nga đã có thêm 24 tên lửa RS-24 Yars mới.
Tên lửa này có thể mang theo 4 đầu đạn với hệ thống dẫn đường riêng cho từng đầu đạn và có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ chống tên lửa.
Nga cũng sở hữu nhiều tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bố trí trên mặt đất sử dụng nhiên liệu dạng lỏng R-36M2 “Voevod” có từ năm 1988. Mỗi một tên lửa này có thể mang theo 10 đầu đạn với sức công phá lên đến 780 kiloton.
Tên lửa đạ đạo liên lục địa Mỹ thua kém Nga? |
Tuy nhiên, đến năm 2020, Nga sẽ thay thế các tên lửa này bằng loại tên lửa hiện đại nhất RS-28 “Sarmat” và các cuộc thử nghiệm loại tên lửa này hiện đang được tiến hành.
“Sarmat” là loại tên lửa có thể đưa các đầu đạn bay theo quỹ đạo gần sát với độ cao thường bố trí các vệ tinh. Điều này cho phép “Sarmat” có thể tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào trên trái đất, thậm chí cả các mục tiêu ở Nam cực.
Đầu đạn của tên lửa này sẽ đi vào khí quyển trái đất với tốc độ siêu thanh - gần 7km/s. Việc triển khai tên lửa vào vị trí chiến đấu chỉ mất chưa đầy 1s kể từ khi nhận được lệnh.
Chỉ có các hệ thống phòng thủ chống tên lửa có mức độ liên kết cao với giá trị thậm chí khó chấp nhận với Mỹ mới có thể đương đầu với tên lửa “Sarmat”.
Từ tương quan thực tế giữa hai bên, NI đi đến kết luận rằng Mỹ đang thực sự thua xa Nga trong việc thiết kế tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bố trí trên mặt đất.
Khác với Mỹ, Nga thường xuyên hiện đại hóa các tên lửa hạt nhân của mình và cả các hệ thống phòng thủ chống tên lửa. NI cũng dự đoán rằng trong thời gian tới, các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ ở châu Âu sẽ trở nên vô dụng trước các loại vũ khí của Nga.
Theo Ruposters, trước đó New York Times đã so sánh tiềm lực của tàu ngầm Nga với các tàu ngầm tương tự của phương Tây. Theo các nhà phân tích của New York Times, Nga đang thực sự vượt trội so với Mỹ trong lĩnh vực này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ ruposters.ru.