Tẩy chay Sochi Paralympics, Pháp vẫn bán tàu chiến cho Nga
Thỏa thuận bán tàu chiến Mistral trị giá 1 tỷ euro (1,4 tỷ USD) được kí kết vào năm 2011 khiến các đồng minh NATO và EU của Pháp lo ngại. Thỏa thuận này được kí kết chỉ vài năm sau khi Nga tiến hành cuộc chiến tranh Gruzia.
Tàu đổ bộ Mistral của Pháp. |
Tuy nhiên, bất chấp mối đe dọa về một cuộc chiến tranh khác giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định nước này sẽ vẫn giữ cam kết giao tàu chiến cho Nga theo thỏa thuận trên.
“Chúng tôi tôn trọng các hợp đồng đã kí kết. Chúng tôi vẫn chưa tới mức đó và chúng tôi hi vọng tình hình sẽ không tiến triển tồi tệ đến mức phải như vậy”, ông Hollande nói, ám chỉ tới việc dừng thỏa thuận với Nga.
Tàu Mistral, loại tàu chiến lớn thứ hai của Hải quân Pháp, có thể chở tới 16 trực thăng, 4 máy bay, 13 xe tăng và hàng trăm binh sĩ.
Các chuyên gia cho rằng việc hạm đội hải quân lạc hậu của Nga được bổ sung thêm tàu Mistral sẽ giúp Kremlin tăng cường năng lực tấn công đổ bộ của quân đội nước này.
Năm ngoái, con tàu loại Mistral đầu tiên, được đặt tên là tàu Vladivostok, đã được cho chạy thử ở miền tây Pháp và dự kiến sẽ được giao cho Hải quân Nga vào tháng 10 năm nay. Hiện con tàu thứ hai vẫn đang được chế tạo.
Pháp và Đức, hai quốc gia có nguy cơ bị các đồng minh phương Tây chỉ trích vì đề xuất đối thoại và hòa giải với Nga về Ukraine, đã giảm thiểu khả năng áp đặt cấm vận với Mátxcơva vào thời điểm này.
Hôm 6/3, sau 6 giờ bàn bạc, 28 nhà lãnh đạo của EU đã nhất trí thực hiện 3 bước cấm vận bắt đầu bằng việc dừng ngay lập tức các cuộc đàm phán về thị thực (visa) cho công dân Nga cũng như một hiệp ước kinh tế với Mátxcơva.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron cho hay nước này sẽ xem xét lại các thỏa thuận bán vũ khí cho Nga.
Mặc dù vẫn bán tàu chiến cho Nga, Pháp khẳng định nước này sẽ không cử một bộ trưởng nào tới dự Thế vận hội mùa đông dành cho những người khuyết tật Sochi Paralympics để phản đối Nga can thiệp vào Ukraine.
“Họ sẽ không tới đó. Nếu các bộ trưởng Pháp tới đó (Sochi) thì thật không thích hợp chút nào”, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói nhưng khẳng định các vận động viên nước này sẽ vẫn tham gia.
Tuyên bố của Pháp được đưa ra sau khi chính phủ Đức đã có một động thái tương tự. Hôm 6/3, Đức tuyên bố sẽ tẩy chay Thế vận hội dành cho người khuyết tật ở Sochi.
Quan chức chính phủ Đức về người khuyết tật Verena Bentele cho hay nước này sẽ không cử đại diện nào tới Sochi.
Theo bà, hành động tẩy chay đó là “một tín hiệu chính trị rõ ràng gửi tới Nga”.