Tàu sân bay TQ tập trung hoạt động ở Biển Đông, "không ngại" va chạm tàu nước ngoài
Hôm 18/12, truyền thông Trung Quốc đưa tin không giống như tàu sân bay Liêu Ninh chuyên phục vụ công tác huấn luyện, tàu sân bay thứ hai nhưng là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung QuốcSơn Đông sẽ được dùng trong chiến đấu và trực tiếp đối mặt với các tàu nước ngoài.
Tàu sân bay nội địa Sơn Đông của Trung Quốc sẽ tập trung hoạt động ở Biển Đông, "không ngại" va chạm tàu nước ngoài. (Ảnh: CCTV) |
“Mục tiêu chiến lược của tàu sân bay Sơn Đông là các vùng biển quanh Biển Đông. Gần đây, các máy bay và tàu chiến nước ngoài đã thực hiện cái gọi là 'tự do hàng hải ở Biển Đông' khiến tình hình thêm rắc rối và ảnh hưởng tới chủ quyền của Trung Quốc. Nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu sân bay Sơn Đông dẫn đầu sẽ được triển khai tới Biển Đông. Con tàu này rất có thể sẽ 'mặt đối mặt' va chạm với các tàu chiến nước ngoài”, bài bình luận được đăng trên tài khoản mạng xã hội của tờ People’s Daily đăng hôm 18/12.
Dù bài bình luận của People’s Daily không nói đích danh tàu chiến và máy bay quân sự nước ngoài, nhưng trong những năm qua, Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng cáo buộc Mỹ xâm phạm lãnh hải và khuấy động căng thẳng bằng cách điều động tàu chiến và máy bay tới Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ khẳng định hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông là nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược. Washington cũng cáo buộc Bắc Kinh tiến hành cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo trên Biển Đông cũng như quân sự hóa trên những thực thể này.
Hôm 17/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chính thức biên chế tàu Sơn Đông mà trước đây được gọi là Type 001A, cho hải quân Trung Quốc tại Tam Á, một cảng nằm trên đảo Hải Nam. Buổi lễ có sự tham dự của các tướng lĩnh thuộc Chiến khu Nam Bộ, nơi giám sát các hoạt động trên Biển Đông.
Hồi tháng 11, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc đã di chuyển qua eo biển Đài Loan để tiến hành “chuyến đi biển thử nghiệm và huấn luyện thường kỳ” sau đó tiếp tục đi vào Biển Đông.
Con tàu này từng được kỳ vọng sẽ gia nhập lực lượng hải quân Trung Quốc hồi tháng Tư nhưng vì những sự cố kỹ thuật nên tàu rời ngày nhập biên. Chuyến đi biển đầu tiên của tàu sân bay nội địa Trung Quốc là vào tháng 5/2018.
Theo thiết kế, tàu sân bay Sơn Đông có thể mang theo 36 tiêm kích J-15trong khi tàu Liêu Ninh chỉ mang được 24 chiếc. Tính tổng cộng, tàu Sơn Đông có thể mang theo 40 chiếc máy bay bao gồm các trực thăng Z-9 và máy bay cảnh báo sớm KJ-600.
Con tàu này được đóng ở Xưởng đóng tàu Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc. Hhoạt động đóng tàu được tiến hành vào năm 2013.
Còn theo bài bình luận trên People’s Daily, hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông sẽ hỗ trợ cho nhau, dù tàu Liêu Ninh đóng ở Thanh Đảo thuộc miền đông Trung Quốc, còn tàu Sơn Đông đóng ở Tam Á. Ngoài ra, hải quân Trung Quốc sẽ kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của một nhóm tác chiến tàu sân bay do hai tàu Liêu Ninh và Sơn Đông cùng dẫn dắt.
"Một tàu sân bay sẽ bảo vệ và hỗ trợ tàu còn lại, trong khi máy bay chiến đấu trên tàu còn lại sẽ tự do thực hiên nhiệm vụ tấn công", bài bình luận viết.
Ông Song Zhongping, một chuyên gia quân sự tại Hong Kong nhận định, Biển Đông chính là khu vực tốt nhất để phục vụ chương trình huấn luyện và thử nghiệm năng lực tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc.
“Tàu Sơn Đông đã thu được năng lực hoạt động ban đầu ở một mức độ nhất định thông qua các chuyến đi biển thử nghiệm trước đây. Song điều kiện gió, nhiệt độ và sự rộng lớn của Biển Đông có thể giúptàu sân bay Trung Quốc thử nghiệm năng lực chiến đấu thực tế cũng như phối hợp chiến đấu với các tàu khu trục, tàu hộ tống và những loại tàu khác”, ông Song chia sẻ.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.