Tàu ngầm Hoàng Sa sẽ tham gia tìm nguyên nhân cá chết?
Đã có kết luận phân tích mẫu nước từ các nhà khoa học
Sau những ngày theo đoàn chuyên gia đi khảo sát thực tế tại các địa điểm xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt, trao đổi với Đất Việt, ngày 9/5, GS.TS Dương Đức Tiến, nguyên giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đoàn đã kết thúc việc lấy mẫu, hoàn thành nhiệm vụ và đã trở về Hà Nội.
Ông Tiến cho biết cụ thể: "Đoàn khoa học hơn 100 chuyên gia đã được chia ra thành 4 nhóm, đi lấy mẫu độc lập, đưa ra kết quả phân tích độc lập. Ngay sau đó, tổ trưởng của 4 tổ sẽ ký biên bản làm việc với Formosa về việc lấy mẫu.
Chia sẻ thêm về chuyến đi thực tế, theo ông Tiến thì cả đoàn có thêm 4 chuyên gia người nước ngoài, 2 chuyên gia người Nhật Bản, 1 chuyên gia người Israel, một chuyên gia người Đức.Sau đó, sẽ tổng hợp các mẫu, các kết quả phân tích lại rồi tiến hành tổng kết, xem xét. Trong ngày 10/5, các nhà khoa học có tên trong danh sách họp bàn, rồi đưa ra công bố kết luận cuối cùng. Tất cả các chuyên gia đã có số liệu trả lời, giờ chỉ đợi công bố".
Được biết, hai chuyên gia Nhật Bản làm tại Viện hải sản thuộc Bộ thủy sản của Nhật. Còn riêng GS Roberto Mayerle (người Đức) thì hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ Đại học Kiel - CHLB Đức.
100 chuyên gia Việt Nam, quốc tế truy tìm nguyên nhân cá chết |
Các chuyên gia quốc tế này cũng song song lấy mẫu độc lập cùng với các chuyên gia Việt Nam, hiện họ cũng đã có kết quả phân tích cụ thể.
Thế nhưng, ông Tiến nói: "Chuyên gia người Nhật cũng có tâm sự sang Việt Nam cũng là vì có công việc của mình, kết hợp với công việc của những người ông quan hệ, chứ không phải chúng ta mời đi cùng.
Họ cũng như những người khác quan tâm đến vấn đề này, chứ không phải nhà nước mời đi. Việc làm này, các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng phân tích và chỉ rõ được nguyên nhân".
Đặc biệt, theo ông Tiến, hiện nay xuất hiện thêm tình trạng cá chết hàng loạt tại vùng biển Thanh Hóa, chính vì thế, đừng chỉ nhìn vào mỗi công ty Formosa. Nếu ở nước ngoài, họ sẽ xem xét, xác định ra nguyên nhân nhiều tác nhân tổng hợp, thậm chí nhiều nguồn xả thải.
Nếu có tàu ngầm là vô cùng tốt
Trong suốt quá trình đi theo đoàn khảo sát, bản thân ông Tiến cũng biết có đoàn đã phải lặn xuống đáy biển để quan sát hiện tượng cá chết ở đáy biển Quảng Bình.
Thậm chí, trước đó, có những thợ lặn đã tử vong khi lặn tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) khu vực ngay sát nhà máy Formosa.
Tuy rằng, những thợ lặn đều là những người có kinh nghiệm, nghiệp vụ, rất khỏe, lặn giỏi, nhưng có chất độc thì cũng sẽ vô cùng nguy hại.
Chính vì thế, trước đề xuất được đưa tàu ngầm mini Hoàng Sa, cũng như các thiết bị có thể xuống giúp các nhà khoa học tìm nguyên nhân của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) được ông Tiến rất ủng hộ và cho rằng đây là việc tốt, nên làm.
"Mọi ý kiến, sáng kiến, đóng góp xác định được nguyên nhân đều nên ủng hộ, đó cũng là khoa học, để tiếp xúc với vùng có chất độc thì tàu ngầm là hoàn toàn hợp lý.
Sử dụng tàu ngầm tìm nguyên nhân cá chết nên ủng hộ |
Lợi thế đó là công cụ do con người điều khiển đi vào những vùng bản thân con người không thể có công cụ lao động thì khó làm được.
Chiếc tàu ngầm có thể hoạt động kể cả trong điều kiện hết sức phức tạp, kéo dài trong nhiều ngày, điều thợ lặn có giỏi đến đâu cũng không làm được. Nói chung, quan điểm của tôi là mọi sáng kiến, ý tưởng đều phải được tận dụng", ông Tiến nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm với ông Tiến, PGS.TS Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học-Kỹ thuật biển Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang cho hay: "Tàu ngầm mini sẽ có thể ra quan sát trực tiếp ngay tại chỗ điểm xả thải, lấy mẫu trầm tích, ở lâu dưới nước quay phim, chụp ảnh hiện trường thải.
Đồng thời, xem có cá chết xếp lớp thực sự hay không, rồi sinh thái cảm quan làm được ngay vì tàu ngầm quan sát được. Máy móc thiết bị, liên lạc trên bờ dễ dàng hơn".
Cho nên, nếu như các nhà sáng chế tàu ngầm đã lên tiếng ủng hộ, thì chúng ta nên tận dụng lợi thế này.
"Tôi đã khẳng định rất nhiều lần, với sự việc cá chết thời gian vừa qua, xác định nguyên nhân rất dễ dàng, cá chết chỉ có thể do 2 lý do: thiên nhiên hoặc tác động của con người.
Nếu không có hiện tượng động đất, núi lửa, biến đổi khí hậu, thì loại bỏ ngay lý do thiên nhiên, chỉ còn lại tác động con người. Nếu làm kỹ càng cũng chỉ 3 ngày là tìm ra được nguyên nhân", ông An nói.
Theo Baodatviet.vn