Tàu chiến Trung Quốc "tự nhiên" tiến sát vùng biển của Mỹ
Các quan chức quốc phòng Washington xác nhận họ đang theo dõi 3 tàu chiến của Bắc Kinh, một tàu đổ bộ và một tàu hậu cần đã tiến vào khu vực biển Bering từ mấy ngày qua. Các quan chức từ chối cho biết chi tiết khoảng cách của các tàu này với bờ biển Mỹ nhưng khẳng định lực lượng này vẫn ở trong hải phận quốc tế.
Tàu hải quân Trung Quốc tiến sát vùng biển Alaska của Mỹ. Nguồn: AP |
Một quan chức cho Wall Street Journal biết: “Đây là lần đầu tiên có sự xuất hiện của tàu hải quân Trung Quốc tại khu vực này nhưng hiện chúng tôi chưa coi đó là một hành động đe dọa”.
Phía Lầu Năm góc cho rằng có rất nhiều cách để giải thích sự hiện diện của quân đội Bắc Kinh trong vùng biển này. “Rất khó để nói chính xác nhưng có thể nó liên quan đến các lợi ích tại khu vực Bắc Cực”, vị quan chức trên nói.
Động thái này của Trung Quốc diễn ra khi Tổng thống Obama vừa có chuyến viếng thăm tới bang Alaska với mục đích nhấn mạnh những ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu. Với tốc độ băng tan ngày càng nhanh, rất nhiều quốc gia đã lên tiếng đòi chủ quyền đối với khu vực vùng biển phương Bắc giàu năng lượng này, trong đó có Mỹ, Canada, Na Uy, Nga và Đan Mạch. Trung Quốc cũng là một thành viên khá tích cực trong Hội đồng Bắc Cực.
Hành động này của Bắc Kinh được xem là một động thái nhằm gia tăng sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Biển Đông. Washington đã liên tục bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh cho xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở các bãi cạn trên Biển Đông. Trong khi chính phủ Trung Quốc cho rằng việc này là nhằm sử dụng cho các mục đích dân sự, Lầu Năm góc vẫn tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự với các đồng minh trong khu vực gần hải phận Trung Quốc.
Quân đội Bắc Kinh mới đây đã hoàn thành các cuộc tập trận với Nga tại khu vực cách biển Bering hơn 3.000 km về phía Tây.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận gì về sự hiện diện của 5 tàu hải quân kể trên.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.