Tăng viện phí, phớt lờ bức xúc ghép giường
Tăng viện phí, phớt lờ bức xúc ghép giường
Việc tăng viện phí, dịch vụ y tế từ quý 2 năm 2012 được ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN, lý giải là hướng tới tính đúng, tính đủ, giúp giảm chi phí cho người bệnh, đồng thời tránh lạm dụng 1 số dịch vụ.
Mức đề xuất thu mới này là để bù đắp chi phí lương cho cán bộ của ngành và tăng chất lượng khám chữa bệnh.
Như vậy, điều cấp bách nhất của tăng viện phí là tăng lương cán bộ và thứ đến mới là tăng chất lượng khám chữa bệnh.
![]() |
Thứ nữa, chống lạm dụng xét nghiệm: Về một khía cạnh nào đó, thì người bệnh bị "chặt" bớt quyền lợi, (khái niệm chống lạm dụng xét nghiệm cho người bệnh có BHYT khó xác định) dù tiền viện phí phải đóng sẽ nhiều hơn.
Trong khi bức xúc của ngành y tế là lương thưởng cán bộ, chi phí đầu tư, dù có nguồn ngân sách hỗ trợ, thì với người dân, bức xúc vì ốm đau mà phải nằm ghép 3, ghép 4, nằm hành lang, góc sân, phải chầu chực chen lấn ngộp thở để chờ tới lượt khám, phải biếu phong bì bác sĩ để được khám đúng nghĩa, phải biếu phong bì y tá tiêm, nhân viên phát thuốc, y bác sĩ trực thăm khám hàng ngày…
Nghi hoặc đặt lên đầu là câu hỏi "Tăng viện phí sẽ làm tăng chất lượng khám chữa bệnh như thế nào nếu vẫn là đội ngũ y bác sĩ cũ, vẫn thói quen làm việc lâu nay?
Giả sử sau một đêm tỉnh dậy, cán bộ y tế được tăng lương, lập tức y đức tốt hơn, chất lượng khám bệnh cao hơn, khám chữa nhiệt tình hơn, chăm sóc tốt hơn, thì thật khó tin, cho dù người dân thật lòng mong muốn nó là sự thật.
Thứ nữa, nỗi bức xúc ốm mà phải nằm ghép chen chúc khổ sở cũng không được nhắc đến trong đợt tăng tiền viện phí lần này.
Hình dung từ con số, tại VN, tính đến hết năm 2011, mới có 20,5 giường/1 vạn dân. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của WHO thì ít nhất phải là 33 giường/1 vạn dân. Nhìn sang các nước khác: tại Hàn Quốc là 86 giường/1 vạn dân, Nhật Bản là 140 giường/1 vạn dân.
Một lãnh đạo bệnh viện khẳng định, giá tăng mà bệnh viện vẫn quá tải thì người bệnh vẫn phải nằm chung giường hay ngoài hành lang. Mấu chốt nằm ở chỗ mở rộng thêm cơ sở thì mới giảm tải được lượng bệnh nhân xong rồi mới nói đến tăng chất lượng được.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận để giảm quá tải bệnh viện xảy ra nhiều năm nay, ngành y tế đã cố gắng tăng số giường bệnh, kê thêm giường, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, làm việc cả thứ 7 và Chủ nhật, có đơn vị làm việc từ 4 giờ sáng. Trong đó có cả giải pháp thiếu giường thì giảm bớt thời gian nằm viện để giải phóng giường nhanh.(!)
Tuy nhiên, có lẽ niềm an ủi đối với người bệnh được Bộ trưởng công bố trước đợt tăng viện phí lần này rằng "trước đây giường nằm ghép đôi, ghép ba bệnh viện vẫn thu đủ tiền như nằm một...Nhưng với quy định mới, tiền giường sẽ giảm xuống còn 50% với nằm đôi, còn 30% nếu nằm ba". Và sắp tới ngành y sẽ đưa vấn đề hạn chế nằm ghép vào tiêu chí thi đua.
Vậy trước nay, ngành y tế kêu lỗ nhưng quên một điều, bệnh viện quá tải, một giường bệnh cho 3 người nằm ghép được thu 3 lần tiền, tức là thu gấp 3 quy định, vậy thì đâu có lỗ?
Hoặc giả người dân cũng tự an ủi rằng, lo ngại viện phí và nằm ghép là hai câu chuyện khác nhau, do nằm ghép là câu chuyện của quá tải, không liên quan đến viện phí cao hay thấp. (!?). Hoặc sợ nằm ghép thì không được ốm, hoặc kiếm thật nhiều tiền để nếu ốm thì đỡ khổ.
Hương Giang