Tăng trưởng tín dụng 11 tháng đạt 15,3%, nhiều khả năng không “xài” hết room
Tính đến cuối tháng 11/2017, tổng tín dụng ước tăng 2,8% so với tháng 10, đồng thời tăng 15,3% so với thời điểm đầu năm. Con số này thấp hơn một chút so với tốc độ tăng 15,6% của cùng kỳ năm 2016.
Về cơ cấu, sự thay đổi tiếp tục diễn ra khi tỷ trọng cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống có xu hướng giảm nhẹ trong khi cho vay ngắn hạn ngược lại có xu hướng tăng.
Cụ thể, tín dụng trung và dài hạn chiếm 53,8% tổng tín dụng (giảm so với mức 55,1% vào thời điểm cuối năm ngoái). Trong khi đó, tỷ trọng tín dụng ngắn hạn tăng lên mức 48,7% từ mức 44,9% vào cuối năm 2016.
Có thể thấy nhiều khả năng các NHTM đang thực hiện giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn theo đúng lộ trình tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN sửa đổi về giới hạn đảm bảo an toàn trong hoạt động của các TCTD. Dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2018 khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống chỉ còn 40% thay cho mức 50% trong năm 2017.
Với mức tăng 15,3% như trên, nhiều khả năng hệ thống ngân hàng sẽ không dùng hết “room” đã được nới thêm (khoảng 21-22%). Theo bà Trần Hải Yến, chuyên viên phân tích vĩ mô CTCK Bảo Việt, có thể tăng trưởng tín dụng của cả năm chỉ ở mức 18-19%. Có 3 nguyên nhân khiến hệ thống tín dụng không “xài” hết room là:
Thứ nhất, sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp hiện tại là có hạn và nền kinh tế chỉ yêu cầu tín dụng tăng ở mức 15-18%/năm là vừa phải mà không gây quá nhiều rủi ro về nợ xấu tiềm tàng.
Thứ hai, một số ngân hàng muốn tăng trưởng cho vay thêm nhưng ngay trong hai quý đầu năm đã gần sắp hết “quota” như VIB, ACB HDBank, MBB...
Thứ ba, các ngân hàng có quy mô vốn lớn nhất hệ thống như Vietcombank, BIDV, Vietinbank đang gặp khó khăn về tăng vốn, hệ số CAR của các ngân hàng này cũng đang tiệm cận dần về mức 9%. Do vậy, nếu không sớm tăng được vốn trong thời gian sắp tới, việc phát triển tín dụng của những ngân hàng này chắc chắn sẽ gặp khó khăn, ít nhất là không thể tăng trưởng mạnh được.