Tạm biệt châu Âu, Đông Nam Á trở thành điểm đến số 1 của giới đầu tư
Theo Sputnik, cuộc khảo sát mới đây của tập đoàn Ernst & Young cho thấy lần đầu tiên kể từ năm 2009, Anh không có tên trong danh sách 5 quốc gia được đầu tư nhiều nhất trên thế giới. Nguyên nhân đến từ Brexit - cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh nên ở lại hay rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) cũng như sự bất ổn của đồng bảng Anh.
"Brexit là một ví dụ điển hình cho những thay đổi về địa chính trị và đang làm phức tạp thêm hoạt động đầu tư trên thế giới", ông Steve Krouskos, một quan chức tại Tập đoàn Ernst & Young chia sẻ với hãng tin Bloomberg.
Đông Nam Á trở thành điểm đến đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư thế giới sau những bất ổn ở châu Âu. |
Theo Bloomberg, trong năm nay, khoảng 208 tỷ USD trong các thỏa thuận sáp nhập và mua lại (M&A) liên quan tới các công ty của Anh và con số này đã giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các nền kinh tế phát triển khác cũng đang chịu chung cảnh không có nhà đầu tư dòm ngó.
Trong khi đó, Đức, nền kinh tế nước nhất EU được xếp thứ 3 sau Trung Quốc. Bởi các nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm tới cuộc bầu cử sắp tới của quốc hội Đức, cuộc khủng hoảng eurozone và những bất ổn trong ngành ngân hàng.
Tình hình tương tự cũng đang diễn ra trong khối BRICS, nơi trước đây nằm trong số những điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới. Trong những năm gần đây, ngôi vị đứng đầu đều do Trung Quốc nắm giữ nhưng hiện tại, Bắc Kinh buộc phải nhường lại ngôi vị này do tác động từ nền kinh tế sụt giảm và công cuộc hiện đại hóa kinh tế.
Các nhà đầu tư cũng tỏ ra quan ngại trước công cuộc cải cách tại Ấn Độ nhằm cải thiện năng lực xuất khẩu của quốc gia này. Điển hình, trong 9 tháng đầu năm nay, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Ấn Độ đã giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Hiện tại, các nhà đầu tư đang thận trọng trước châu Âu và thị trường toàn cầu. Kết quả, các nhà đầu tư giờ tập trung vào khu vực Đông Nam Á", ông Yan Ryazantsev, Giám đốc đầu tư tại công ty Russian Venture Company chia sẻ với RT.
Đây là lý do, Indonesia, Việt Nam và Myanmar hiện được xem là điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Theo thống kê công bố hồi năm 2015 của Ernst & Young, tổng giá trị đầu tư vào 3 quốc gia này là 75 tỷ USD trong đó, các nhà đầu tư Trung Quốc chi 15,5 tỷ USD và Singapore là 12,3 tỷ USD.
"Đây là xu thế hiện thời của thị trường. Các nhà đầu tư muốn đổ tiền vào ngành nông nghiệp tại các quốc gia láng giềng. Điển hình, Trung Quốc hy vọng giữ vị trí là nhà đầu tư số 1 vào các dự án nông nghiệp ở vùng Viễn Đông của Nga", ông Denis Ershov thuộc Trung tâm Phân tích Nga nói.