Tại sao Việt Nam “để mắt” tới siêu phẩm trực thăng Mi-28NE của Nga?
Trực thăng Mi-28NE “thợ săn đêm”, là biến thể xuất khẩu của trực thăng Mil-28N. Đây là thiết kế trực thăng tấn công 2 chỗ ngồi của nhà máy Rosvertol. Mi-28NE có khả năng tác chiến bất kể ngày đêm, trong nhiều điều kiện thời tiết, phục vụ các nhiệm vụ tìm diệt các mục tiêu trên mặt đất, mặt biển và các mục tiêu bay thấp.
Một số trực thăng Mi-28NE đã được xuất khẩu sang Iraq và hiện đang tham gia các chiến dịch chống lại IS ở nước này. Đây là loại trực thăng có triển vọng xuất khẩu sang Brazil, Việt Nam và một vài quốc gia ở Bắc Phi.
"Thợ săn đêm" Mi-28NE có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. |
Mi-28NE “Thợ săn đêm” – định danh NATO là Havoc – có thể thực hiện các nhiệm vụ nhận diện và tiêu diệt các loại mục tiêu như: binh lính, xe tăng, phương tiện cơ giới bọc thép, tàu xuồng cỡ nhỏ, thậm chí cả các phương tiện bay tốc độ chậm và bay thấp. Các công trình phòng thủ cũng là đối tượng tác chiến của loại vũ khí này.
Hệ thống động lực của trực thăng sử dụng hộp số truyền công suất cao tới động cơ, cánh quạt kiểu mới, có hiệu suất xé gió cao, giúp tăng lực nâng lực đẩy ở công suất thấp.
Trực thăng Mi-28NE sử dụng 2 động cơ trục tua-bin VK-2500, có công suất tối đa là 2.200 mã lực, giúp máy bay có thể đạt tốc độ leo cao 13,6 m/s và đạt được trần bay 5.600m. Tốc độ hành trình tối đa của máy bay là 300 km/h, và tầm bay tối đa là khoảng 435 km.
Mi-28NE cũng là một trong những trực thăng được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, sử dụng ăng-ten cao tần bố trí trên trục cánh quạt chính. Để phục vụ nhiệm vụ tác chiến ban đêm, trực thăng sử dụng hệ thống quan sát, tìm kiếm ở dải sóng hồng ngoại.
Hỗ trợ cho các phi công trong nhiệm vụ điều khiển máy bay, thu nhận thông tin chiến trường, các nhà thiết kế Mi-28NE đã trang bị cho máy bay hệ thống hiển thị hiện đại gồm màn hình tinh thể lỏng, kính mắt nhìn đêm cho phi công và đặc biệt là hệ thống máy tính chỉ thị, định vị, thiết lập bản đồ.
Ngoài kính nhìn đêm, phi công còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ mũ bay có thiết bị giúp chỉ định mục tiêu, giúp nhận diện đối tượng trong các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn cũng như trong chiến đấu. Theo đó, sĩ quan hoa tiêu hoặc sĩ quan điều khiển vũ khí trên máy bay có thể lựa chọn vũ khí thích hợp như súng máy hay vũ khí có điều khiển để tấn công các mục tiêu định sẵn.
Hệ thống theo dõi mục tiêu được liên kết với thiết bị nhận dạng chuyển động của mắt phi công. Khi phi công nhìn theo hướng nào cả hệ thống theo dõi lẫn hỏa lực đều chuyển động theo hướng nhìn của phi công.
Thông qua các triển lãm hàng không quân sự, đã có khoảng 12 quốc gia bày tỏ sự quan tâm tới loại trực thăng xuất khẩu hiện đại này của Nga gồm: một số quốc gia thuộc không gian hậu Xô-Viết (SNG), các nước châu Mỹ La-tinh, Đông Nam Á (gồm Việt Nam, Malaysia, Thái Lan) và một số quốc gia thuộc khu vực tiểu Sahara.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.