Tại sao TT Putin và Trump thường xuyên điện đàm thay vì gặp gỡ trực tiếp?
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Áo, ông Putin cho biết ông “hoàn toàn đồng tình” với ông Trump rằng một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai bên có thể bùng nổ, và ông bày tỏ hi vọng rằng hai người có thể tìm ra giải pháp để ngăn điều này có thể xảy ra. Ông Putin tiết lộ, trong một cuộc gọi gần đây, “ông Donald cho biết ông ấy lo ngại về khả năng một chạy đua vũ trang sẽ xảy ra”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump trò chuyện bên lề hội nghị APEC 2017. |
“Tôi hoàn toàn đồng tình với ông ấy, tuy nhiên để ngăn chặn điều này xảy ra, chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về nó, chúng ta phải có biện pháp rõ ràng, đưa ra những chỉ đạo cụ thể cho các Bộ Ngoại giao”, ông Putin nói thêm.
Khi được hỏi lý do vì sao cho đến nay vẫn chưa có một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống, ông Putin nói rằng ông đã gặp Tổng thống Mỹ hơn một lần trong các sự kiện quốc tế, song ông nói rằng hai bên vẫn chưa có kế hoạch gặp mặt chính thức.
“Tôi nghĩ rằng khả năng các cuộc gặp mặt này có thể diễn ra còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chính trị nội bộ nước Mỹ”, ông Putin nói. “Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ đang sắp diễn ra và tiếp sau đó là bầu cử Tổng thống, trong khi Tổng thống Mỹ đang bị công kích vì nhiều vấn đề khác nhau”.
Vào tháng 4, Nhà Trắng xác nhận rằng ông Trump và ông Putin đã thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc gặp mặt tại Nhà Trắng “trong tương lai không xa”.
Các đời Tổng thống Mỹ trước đây như Barack Obama và George H.W. Bush đều đã gặp gỡ Tổng thống Nga trong vòng 6 tháng kể từ khi nhậm chức. Ông Obama vào năm 2009 đã trực tiếp đến Điện Kremlin để gặp mặt Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và ông Putin, khi đó giữ chức Thủ tướng.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, ông Trump và ông Putin đã đối thoại qua điện thoại 8 lần. Hai người đã gặp gỡ nhau 2 lần, một lần tại một hội nghị ở Đức và lần còn lại là bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam.
Tần suất cuộc gọi giữa ông Trump và Putin gần như tương đương với số lần ông Obama trao đổi với ông Putin trong 2 năm cuối cùng giữ chức, khi hai người đã trò chuyện 9 lần trong năm 2015 và 2016.
Cũng trong cuộc phỏng vấn của mình, Tổng thống Nga cũng tái khẳng định rằng lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga “đang làm tổn hại tất cả các bên, cho dù là bên áp dụng trừng phạt hay là bên chịu hình thức trừng phạt này”, song ông nói rằng Nga “đã vượt qua mọi khó khăn gây ra bởi những rào cản từ bên ngoài”.
Tổng thống Nga cũng bác bỏ những cáo buộc rằng chính phủ của ông đang đảm bảo quan hệ với các đảng phái có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Châu Âu để gieo rắc sự chia rẽ ở khu vực này.
“Chúng tôi không có ý định chia rẽ bất kỳ quốc gia nào ở Châu Âu. Ngược lại, chúng tôi muốn thấy một Liên minh Châu Âu đoàn kết và thịnh vượng, bởi Liên minh Châu Âu là đối tác thương mại và kinh tế lớn nhất của chúng tôi. Châu Âu càng có nhiều vấn đề nội bộ thì chúng tôi càng đối mặt với nhiều rủi ro lớn”, ông nói.
Khi được hỏi liệu mình sẽ tiếp tục nắm quyền nước Nga trong cương vị Thủ tướng sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc năm 2024, nhiệm kỳ cuối cùng của một Tổng thống theo quy định của hiến pháp Nga, ông Putin không bác bỏ khả năng này.
“Nhiệm kỳ Tổng thống mới của tôi chỉ mới bắt đầu. Tôi vẫn đang ở chặng đầu của hành trình này nên chúng ta hãy đừng nhìn quá xa”, ông nói. “Tôi chưa bao giờ vi phạm hiến pháp đất nước mình và sẽ không làm vậy”.