Tại sao phiến quân Syria "ngược dòng" tấn công quân Thổ Nhĩ Kỳ?
Theo báo cáo của Ifeng (Trung Quốc), tính đến ngày 6/4, trong thời điểm hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát phiến quân Syria, khi lực lượng phiến quân không những không “nhường” đường cao tốc M4, cũng không “nín nhịn” trước hoạt động tuần tra chung Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn tăng cường phá hủy đường cao tốc M4, và cũng chiếm một phần đường cao tốc M4, thiết lập khu vực riêng và ngăn chặn các phương tiện đi qua.
Phiến quân đánh sập một cây cầu trên đường cao tốc M4. Nguồn: Ifeng. |
Kênh truyền hình tin tức Al-Jazeera cho biết, phiến quân Syria đã “thổi bay” một cây cầu trên đường cao tốc M4. Lực lượng này dựng chướng ngại vật và đặt mìn trên đường, không chỉ vậy, phiến quân cũng đào hào và đắp nhiều ụ đất công sự. Hành động tàn phá này của phiến quân dọc theo đường cao tốc M4 đã tạo ra nhiều khó khăn cho hoạt động di chuyển của các phương tiện và ngăn chặn các cuộc tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Al-Jazeera cũng tiết lộ, Nga và Syria đã cho Thổ Nhĩ Kỳ thời gian để thuyết phục các lực lượng phiến quân, hạn chót để lực lượng này quy hàng là vào cuối tháng 3/2020. Cũng trong giai đoạn này, liên quân Nga-Syria không đưa ra bất kỳ phản ứng nào với các hành động của phe đối lập Syria. Điều này không chỉ được coi là “bán mặt” cho Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn liên quan đến việc liên minh Nga-Syria cần thời gian để chuẩn bị cho giai đoạn chiến đấu tiếp theo.
Tàu hàng DVINITSA-50 của Nga chở vật tư đến Syria. Nguồn: Ifeng. |
Theo tiết lộ, trước sức ép của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đàm phán với các lực lượng vũ trang chống chính phủ Syria, nhưng lực lượng này đã không còn tin tưởng, và không muốn “bán mình” vì lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng này đã trực tiếp không công nhận thỏa thuận ngừng bắn, nội bộ bị chia rẽ, trong đó một số lực lượng chống chính phủ cấp tiến đã bắt đầu tấn công ngược lại Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 2 ngày (20, 25/3), lực lượng trên đã liên tục tấn công vào đoàn xe tuần tra của Thổ Nhĩ Kỳ làm bị thương một số binh lính của Ankara.
Đến cuối tháng 3/2020, các lực lượng vũ trang chống chính phủ Syria đã công khai phá vỡ mối quan hệ với Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nhóm vũ trang chống chính phủ Syria tuyên bố rằng, lực lượng này sẽ chiến đấu chống lại tất cả người Thổ Nhĩ Kỳ và những “tay sai” đang chiếm đất của Syria, thời gian tới lực lượng này sẽ phát động các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn nữa nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện nay, đối với nhiều tổ chức vũ trang chống chính phủ Syria, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã được “đối xử” như Quân đội Syria và cuộc xung đột đã mở rộng. Ngay cả trạm quan sát của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng gặp phải các cuộc tấn công từ các lực lượng vũ trang thân Thổ Nhĩ Kỳ trước đây.
Bản đồ thế cục Idlib cho thấy phía nam thường xảy ra các trận giao tranh. Nguồn: Ifeng. |
Liên quan đến lực lượng liên minh Nga-Syria, lực lượng vũ trang chống chính phủ Syria cũng bắt đầu tiến hành tấn công. Từ cuối tháng 3/2020, hai bên đã có những cuộc giao tranh nhỏ, chủ yếu là pháo kích. Nhưng từ đầu tháng 4/2020, cường độ giao tranh giữa hai bên đã bất ngờ tăng lên. Quân đội Syria và các lực lượng vũ trang chống chính phủ đã chiến đấu nhiều trận chiến ác liệt ở các vùng nông thôn phía nam tỉnh Idlib. Hiện tại, thông tin về số thương vong của cả hai bên vẫn chưa được công khai, nhưng ước tính con số này sẽ không nhỏ.
Ifeng cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn có thể được cho là tồn tại trên danh nghĩa. Mặc dù thế giới đều biết rằng thỏa thuận ngừng bắn này là một chiến lược trì hoãn, nhưng không hy vọng nó chỉ tồn tại trong một tháng. Hiện tại Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa trực tiếp tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn hết liệu lực và chưa “đâm thủng lớp giấy mỏng manh” này. Nguyên nhân do, một mặt, không bên nào sẵn sàng chịu hậu quả chính trị của "phát súng đầu tiên", mặt khác, cả hai bên cũng cần có thời gian để tăng quân, một tháng là không đủ để thực hiện điều này.
Tình hình hiện nay xuất hiện nhiều “biến số”, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã tham gia vào chiến trường Idlib nhưng không bên nào công bố rõ ràng, trong khi đó các lực lượng vũ trang chống chính phủ Syria “trở mặt” với Ankara, điều này cũng đồng nghĩa với việc đang đứng giữa “hai dòng nước” là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Việc lực lượng này nằm ngoài tầm kiểm soát cũng là một mối đe dọa đối với chính Thổ Nhĩ Kỳ.
Xe tăng của Quân đội Syria tham chiến ở Idlib. Nguồn: Ifeng. |
Nhiều phân tích chỉ ra rằng, tình hình hiện nay cho thấy chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đã thất bại, không biết liệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngừng hỗ trợ phiến quân hay là cung cấp nhiều sự hỗ trợ hơn để “lấy lòng” lực lượng này và tiếp tục cuộc chiến ủy nhiệm ở Syria. Hiện tại, các cuộc xung đột chủ yếu xảy ra ở các vùng nông thôn phía nam Idlib, bởi vì lực lượng Nga đóng quân ở thị trấn phía bắc Saraqib. Lực lượng phiến quân đang “tránh mặt” Nga để tiến hành tấn công lực lượng Chính phủ Syria.
Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang chống chính phủ Syria chỉ đạt được lợi thế trước Chính phủ Syria khi được sự hỗ trợ trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ, hiện, nếu phía Thổ Nhĩ Kỳ không hỗ trợ, thì rất khó để các lực lượng này có thể đạt được bất cứ điều gì. Nếu lực lượng phiến quân hoàn toàn bại lui, thì mọi sự cố gắng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở về con số 0.
Nguyên nhân lớn nhất mà lực lượng phiến quân “quay lưng” với Thổ Nhĩ Kỳ là, kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn được thực thi, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng phạm vi cuộc chiến ủy nhiệm khi điều động hàng ngàn phiến quân Syria đến tham chiến ở Libya. Điều này đã làm suy yếu nghiêm trọng sức mạnh của phiến quân Syria và làm cho lực lượng này đứng trước nguy cơ bại vong. Không chỉ vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không còn cung cấp các khoản phụ cấp chiến tranh và “lương” cho lực lượng phiến quân. Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ khiến phiến quân Syria nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ có ý đồ chia rẽ phân lập lực lượng, sau đó “bán đứng” lực lượng này.