Tại sao ông Putin rút quân vào phút chót?
Các bước đi của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong những ngày qua đã chuyển cuộc khủng hoảng Ukraine từ khía cạnh quân sự sang một chính sách ngoại giao cứng rắn.
Theo các tác giả tờ Hürriyet của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi cuộc khủng hoảng Ukraine đã phần nào dịu đi với quyết định rút quân của Nga, câu hỏi về “những gì ông Putin muốn làm” vẫn còn hiện hữu. Các bước đi của ông Putin trong những ngày qua đã chuyển cuộc khủng hoảng Ukraine từ khía cạnh quân sự sang đường lối ngoại giao cứng rắn. Tại sao nhà lãnh đạo Nga chọn cách xoa dịu cuộc khủng hoảng vào thời điểm cuối cùng khi cả thế giới đang cho rằng, Moscow có thể “động binh” với Ukraine vào ngày 16/2 vẫn còn là một ẩn số.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông sẵn sàng tiếp tục đàm phán với phương Tây về các vấn đề an ninh để giảm thiểu căng thẳng trong vấn đề Ukraine. (Ảnh: RIA) |
Nhà nghiên cứu, nhà báo người Nga Andrey Shevchenko sau đây sẽ cho biết lý do tại sao Nga quyết định rút một phần lực lượng quân đội gần biên giới Ukraine.
Moscow không bỏ cuộc
Nga chắc chắn không từ bỏ ý định kéo Ukraine trở lại trục của mình bằng cách này hay cách khác. Vì vậy, hành động rút quân của ông Putin không phải là một chiến lược, mà là một động thái chiến thuật. Mục đích của bước đi này là giảm ảnh hưởng của Mỹ và Anh cũng như các nước châu Âu trong vấn đề Ukraine. Trước đó, các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin, “cuộc xâm lược của Nga” vào Ukraine dự kiến vào ngày 16/2, tuy nhiên như dự đoán đã không có gì xảy ra.
Khởi hành từ Crimea
Hôm 16/2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tiếp tục giảm áp lực quân sự gần biên giới Ukraine. Sau Belarus, các binh sĩ Nga bổ sung được triển khai trên bán đảo Crimea cũng bắt đầu quay trở lại thường trực ở Kavkaz. Bộ Quốc phòng Nga thậm chí còn công bố đoạn video cho thấy việc rút quân.
Đoạn video đăng tải kèm với thông tin cho biết: “Các thành viên của đơn vị xe tăng thuộc Quân khu phía Tây đã hoàn tất các cuộc tập trận theo kế hoạch và hoàn tất di chuyển các xe tăng và các thiết bị bọc thép đến các ga đường sắt, bắt đầu hành trình di chuyển khoảng 1.000 km trở về các căn cứ thường trực”.
Sự nhượng bộ từ Điện Kremlin
Tổng thống Putin không chỉ rút quân khỏi khu vực biên giới, mà còn “ra hiệu” rằng ông sẽ không thông qua quyết định công nhận nền độc lập của khu vực ly khai tại Donbass ở Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Tổng thống Putin đã nhận được báo cáo do Duma Quốc gia thông qua, yêu cầu ông công nhận nền độc lập của Donbass. Tuy nhiên, tổng thống hiện chưa xem xét ban hành quyết định này. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là thực hiện các Thỏa thuận Minsk của Ukraine”.
Điện Kremlin cảnh báo tình hình ở khu vực miền Đông Ukraine, nơi đang xảy ra các cuộc giao tranh giữa lực lượng ly khai và quân chính phủ, rất đáng báo động. (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, một số nhà bình luận cho rằng, bất chấp những tín hiệu “nới lỏng”, ông Putin có thể khởi động các hoạt động quân sự để gây sức ép với Ukraine bất cứ lúc nào.
Lo ngại về các biện pháp trừng phạt
Việc Nga muốn chuyển vấn đề sang bàn ngoại giao cũng gắn liền với các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn mà phương Tây đang chuẩn bị. Do đó, trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với ông Putin tại một cuộc họp ở Điện Kremlin rằng, một cuộc phô trương vũ lực từ Nga cũng đang bắt đầu thử thách sự kiên nhẫn của Berlin và khi vấn đề trừng phạt phát sinh, Đức sẽ hành động cùng với phương Tây và các đồng minh.
Ngoài ra, việc Mỹ và các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn có thể gây thiệt hại nhiều hơn cho nền kinh tế Nga.
Một cựu quan chức Nga chia sẻ với ấn phẩm The Economist, ông nghĩ rằng Điện Kremlin sẽ không được hưởng lợi từ chính cuộc chiến mà gây ra mối đe dọa chiến tranh. Mối đe dọa này có thể đã cho phép ông Putin đảm bảo một số nhượng bộ.
Mối quan tâm về Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2)
Lời phát biểu của Thủ tướng Đức Scholz có nghĩa là đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, tốn khoảng 15 tỉ USD để xây dựng sẽ “không bao giờ đi vào hoạt động”.
Theo giới phân tích, Nga cần đường ống dẫn này, nó sẽ mang lại cho Nga khoảng 25 tỉ USD mỗi năm. Dự kiến, vấn đề trừng phạt mới đối với Nga sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), ngay sau Hội nghị An ninh Munich được tổ chức tại Đức vào ngày 18/2.
Trước đó, nhà chức trách Đức đã tạm hoãn việc xét cấp phép cho dự án Nord Stream 2 tới nửa cuối năm nay do dự án chưa đáp ứng quy định pháp lý.
Phát biểu khi đang ở thăm Warsaw, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck, nhấn mạnh việc xét duyệt dự án sẽ gắn chặt theo luật pháp châu Âu. “Mặt khác, việc đánh giá về mặt địa chính trị cũng có ảnh hưởng tới việc xét duyệt của dự án Nord Stream 2”, ông Habeck nói.
Ông Habeck cũng nói cần có nỗ lực ngoại giao để giảm leo thang căng thẳng cho tình hình ở biên giới Ukraine-Nga.
Thanh Bình (lược dịch)
“Rõ ràng là việc phân nhóm cho các cuộc tập trận đã được xây dựng trong nhiều tuần và tất nhiên là không thể rút lui trong một ngày. Máy bay không thể cứ thế cất cánh và bay đi, cần phải có thời gian”, ông Peskov nói.
Hôm 15/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo nước này đã rút một phần lực lượng quân sự tham gia cuộc tập trận gần biên giới Ukraine. Hôm 16/2, Nga đã rút các lực lượng tham gia tập trận ở Crimea và công bố video cho thấy các xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và pháo tự hành đã rời khỏi bán đảo này.
Nga cũng nhiều lần tuyên bố không có kế hoạch động binh với Ukraine, đồng thời chỉ trích phương Tây “gây nhiễu” thông tin khi cáo buộc Nga tấn công nước láng giềng.
Nga hoàn thành các cuộc tập trận sẽ thay đổi tình hình thế giới như thế nào?
Tổng thống Vladimir Putin cho biết hôm 15/2, các hành động tiếp theo của phía Nga sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế trên thực địa.