Tại sao Obama chọn Trung Quốc và Lào cho chuyến công du châu Á cuối cùng?
Ông chọn Trung Quốc và Lào để tiếp tục “nuôi dưỡng” chính sách “xoay trục sang châu Á” của Hoa Kỳ.
Sau một loạt điểm dừng bên ngoài Washington, máy bay của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm sẽ hạ cánh ở thành phố có nhiều cảnh đẹp, Hàng Châu, Trung Quốc, nơi ông đồng thời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Ngoài ra, trong chuyến thăm cuối cùng này, ông Obama còn trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân tới Lào để tham dự cuộc họp với lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Giữa lịch họp dày đặc trong vòng một tuần, Nhà Trắng coi đây là cơ hội để “đánh bóng” di sản của ông Obama mà người Mỹ tự gọi là “vị Tổng thống Thái Bình Dương”.
Trọng tâm chú ý được dự đoán là “cuộc gặp song phương sâu rộng” giữa ông Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên bờ Hồ Tây của Hàng Châu. Việc ông Tập lên nắm quyền được xem là một nhân tố quyết định trong mối quan hệ Trung – Mỹ suốt 8 năm làm chủ Nhà Trắng của ông Obama.
Jeffrey Bader, cố vấn châu Á hàng đầu của ông Obama trong những năm đầu ở Nhà Trắng, nhận định: “Ông Tập là một nhân tố khác hẳn, ông mất nhiều thời gian để làm việc, hợp tác hơn những lãnh đạo Trung Quốc trước đây”.
Điều này vừa mang đến cơ hội cũng như xung đột liên quan đến sự phát triển và bành trướng của Bắc Kinh, ít nhất là trong vấn đề Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn lãnh thổ. Hoa Kỳ đã cố gắng để “kìm cương” sự cứng rắn và quyết đoán của ông Tập để tránh các cuộc đàm phán không hiệu quả.
Tổng thống Obama bắt đầu chuyến công du đến Trung Quốc và Lào. Nguồn: |
“Ông Obama hiểu rằng Mỹ và Trung Quốc có thể mở rộng hợp tác và hạn chế những khác biệt. Chúng ta không phải là bạn nhưng cũng không phải là kẻ thù”, một quan chức Trung Quốc cho biết.
Cựu Thủ tướng Australia, Kevin Rudd, một chuyên gia Trung Quốc, nhận định: “Đây là cơ hội để hai nhà lãnh đạo có một cuộc trao đổi quan điểm thẳng thắn. Chuyến thăm này đóng vai trò như một “phòng thanh toán bù trừ” cho các vấn đề giữa hai bên. Điều này đặc biệt quan trọng với Bắc Kinh, nơi mà phần lớn các quyết định liên quan đến quan hệ Mỹ - Trung đều do Chủ tịch Tập quyết định”.
Một Trung Quốc toàn cầu
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc, cả hai đã chứng kiến sự chuyển mình của Trung Quốc từ một nền kinh tế hàng đầu trong khu vực trở thành một cường quốc toàn cầu. Ngày nay, Trung Quốc đã vươn ra khắp nơi, từ các vùng sa mạc ở Sudan cho tới các cầu cảng Panama và có mặt trong mọi vấn đề từ kinh tế vĩ mô cho đến y tế công.
Evan Medeiros, quan chức thuộc Hội đồng An ninh quốc gia của ông Obama, phân tích: “Một trong những thay đổi sâu rộng nhất dưới chính quyền Obama là bao gồm cả tính chất toàn cầu trong mối quan hệ Trung – Mỹ”.
Tại Hàng Châu, ông Obama và ông Tập giờ đây sẽ đóng một vai trò cân bằng tương tự nhau, thảo luận sự hợp tác toàn cầu trong khi bàn bạc cách giải quyết những xung đột, cạnh tranh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hai nhà lãnh đạo có thể sẽ xem xét thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu hồi tháng 12 năm ngoái và có thể sẽ thông qua sau khi hội tụ chung các lợi ích của hai nước. Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông và tuyên bố của Trung Quốc vẫn sẽ là nội dung thảo luận chính, sâu và còn nhiều tranh cãi.
Tổng thống Obama đã vấp phải nhiều chỉ trích trong nước và của cả các đồng minh trong khu vực về việc liệu chính quyền của ông có thể mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn các hành động và tuyên bố của Bắc Kinh về Biển Đông.
Ông Obama bị chỉ trích vì không "mạnh tay" với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Nguồn: Telegraph |
Ông Medeiros nhấn mạnh rằng bất kỳ hành động nào nhằm ngăn cản Trung Quốc cũng có thể tạo nên “một cuộc xung đột lớn”. Chuyên gia Jeffrey Bader cũng đồng tình khi cho rằng mọi bước đi của chính phủ Mỹ cần phải được chuẩn bị kỹ càng.
Ông Bader cũng bác bỏ quan điểm cho rằng Hoa Kỳ nên tách khỏi mối quan hệ với Trung Quốc và đối xử với Bắc Kinh như một “đối thủ cạnh tranh”. “Nếu đã quyết định Trung Quốc là một đối thủ chiến lược thì cũng phải xác định sẽ chuẩn bị đối mặt với một thời kỳ Chiến tranh Lạnh, phải loại bỏ tất cả những phụ thuộc như cuộc chiến chống khủng bố, lợi ích trong các dự án châu Âu. Liệu Trung Quốc có phải là một mối đe dọa lớn như vậy? có phải là một thách thức lớn như vậy? Rõ ràng là không”, chuyên gia này nhận định.
Hướng về phía Nam
Tại Viêng Chăn, Tổng thống Obama sẽ cố gắng xây dựng một nhánh khác của “trục châu Á”, đó là phát triển quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á. Các tiền nhiệm của ông Obama thường né tránh Hội nghị của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN, nhưng vị Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ lại sắp xếp lịch trình để tham dự.
Mối quan hệ này càng được củng cố trước sự bành trướng của Trung Quốc, khiến các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trở nên thân thiện hơn với Washington. Quan hệ giữa các bên cũng ấm dần lên do sự sẵn sàng hợp tác với Myanmar của ông Obama. Ông chủ Nhà Trắng cũng luôn tìm cách thúc đẩy Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương trước Quốc hội Mỹ.
Theo các chuyên gia, Tổng thống Obama sẽ thiết lập một chiến lược và những điểm mấu chốt cho mối quan hệ hợp tác này trong bài phát biểu sắp tới ở Lào. “Tôi cho rằng ông Obama sẽ đề cập đến việc Mỹ đã đi xa đến đâu trong việc hình thành khung hợp tác với khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như vài trò của Mỹ trong các diễn đàn như ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á”, cố vấn cấp cao Ben Rhodes nhận định.
Nội dung được tham khảo từ nguồn tin NDTV, tờ báo hàng đầu của Ấn Độ, chuyên cập nhật những tin tức mới nhất ở Ấn Độ và trên thế giới.