Tại sao người tị nạn chủ yếu là các nam thanh niên trẻ tuổi?
Điều đáng chú ý là trong dòng người nhập cư đổ sang châu Âu, lực lượng áp đảo là các nam thanh niên còn rất trẻ. Vậy lý do vì sao mà những thanh niên trai tráng này lại quyết định rời bỏ quê hương để đi tìm một miền đất mới?
Ahmed, là người Kurd ở Iraq, trong quãng thời gian còn hòa bình, thường giúp cha mình kinh doanh hàng ăn ở thị trấn Jalawla. Cuộc sống của họ khá phức tạp vì những khác biệt về tôn giáo nhưng vẫn có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, khi nhóm khủng bố IS xâm chiếm thị trấn, muốn thảm sát tất cả người Kurd thì gia đình của Ahmed quyết định rời khỏi quê hương để đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Ahmed sống tại một trại tị nạn ở Hungary. |
Cha của Ahmed đã gia nhập lực lượng Peshmerga, lực lượng vũ trang người Kurd và đến Syria. Nhưng ông không bao giờ quay trở lại. “Tôi muốn được một lần nhìn thấy mộ của cha mình nhưng tôi còn không biết nó ở đâu”, Ahmed nói.
Gia đình anh giờ còn lại mẹ, hai người em trai và hai em gái, vì vậy chàng thanh niên 20 tuổi Ahmed phải gánh trách nhiệm làm trụ cột trong nhà. Họ quá nghèo để có thể đưa tất cả các thành viên đi châu Âu. Vì lý do đó, họ đã dồn toàn bộ số tiền để đưa Ahmed tới châu Âu với hy vọng anh sẽ nhanh chóng làm được hồ sơ và sau đó đưa cả gia đình sang một vùng đất mới.
Có ba lý do chính khiến những nam thanh niên trẻ trở thành những người đi mở đường nhập cư cho cả gia đình: thứ nhất, đàn ông là đối tượng nhắm đến của chiến tranh và hơn bất cứ ai họ muốn được sống sót; thứ hai, những người đàn ông Hồi giáo thường chủ động về mặt xã hội hơn phụ nữ, điều này rất quan trọng trong việc làm hồ sơ và hòa nhập ở châu Âu; thứ ba, phụ nữ còn phải chăm sóc rất nhiều trẻ nhỏ trong một gia đình lớn ở các nước Hồi giáo. Vì vậy, những người tị nạn Trung Đông muốn “bắn một mũi tên trúng hai đích”: họ giúp những người đàn ông của mình tránh được chiến tranh, đồng thời hy vọng họ sẽ bám trụ mạnh mẽ ở châu Âu.
Những người tị nạn sang châu Âu chủ yếu là nam thanh niên. |
Ahmed đã sống 9 tháng ở Thụy Điển những đã bị trục xuất do dấu vân tay của anh được lấy ở Hungary, nơi cửa ngõ của người nhập cư vào châu Âu. Giấc mơ của Ahmed là trở thành một cầu thủ bóng đá. Anh tâm sự: “Tôi chơi bóng rất tốt, tôi đã chơi ở thị trấn Goteborg ở Thụy Điển suốt 5 tháng”.
Ahmed sống trong một trại tị nạn gần thị trấn Gyor của Hungary 6 tháng để yêu cầu chính quyền “xóa dấu vân tay và cấp cho anh visa” bởi anh không muốn ở lại đất nước này mặc dù anh rất quý những người địa phương. “Tất cả châu Âu đề tốt chỉ có Hungary là tồi tệ: tiền ít mà đồ ăn cũng ít”, Ahmed nói.
Tiền trợ cấp xã hội mà Ahmed nhận được là 20 euro một tuần để mua thức ăn cộng thêm 20 euro một tháng tiền tiêu vặt. Tất nhiên, con số này không quá nhiều nếu so với Đức nhưng đây lại là mức lương tối thiểu của người dân ở Hungary.
Trại tị nạn mà Ahmed ở không có nhiều hình thức giải trí: sân tennis và billiard đã không còn và cư dân ở đây phải chơi bóng đá bằng một quả bóng rổ. Họ chỉ có một chiếc ti vi cho tất cả mọi người. Ahmed cho biết: “Ở đây tôi chỉ có ngủ và nhìn vào điện thoại. Tôi cũng thử tới một vài quán bar của địa phương, những cô gái rất xinh nhưng khi tôi và tất cả những người đàn ông đến từ Syria, Afghanistan hay Pakistan nói xin chào và thử nói chuyện với họ thì họ đều quay lưng lại với chúng tôi”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.