Tại sao người Mỹ ngày càng lạnh nhạt với Nga?
Tờ The Washington Post của Mỹ đưa tin, ngày nay thái độ của người dân Mỹ với Nga gần tương tự như thời điểm năm 1986, và thậm chí còn tồi tệ hơn năm 1978. Đây là nghiên cứu được tiến hành bởi Hội đồng Chicago về vấn đề toàn cầu (Chicago Council on Global Affairs).
Có 1005 người Mỹ tham gia vào cuộc khảo sát xã hội học này. Họ được hỏi những câu hỏi liên quan đến thái độ với các nước khác theo thang điểm cho sẵn từ 0 (thái độ lạnh nhạt và tiêu cực) đến 100 (thái độ nồng nhiệt và tích cực). Điểm 50 là giành cho thái độ trung lập (không nồng nhiệt mà cũng không lạnh nhạt). Và thái độ với nước Nga được trung bình 32 điểm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Mỹ "lạnh nhạt" với Nga
Những cuộc điều tra dư luận đầu tiên được tiến hành vào năm 1978, thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, điểm số này ở mức 34. Nhưng một năm sau khi Liên Xô bắt đầu cuộc chiến ở Afghanistan, năm 1982 số điểm giảm xuống còn 24. Năm 1986 khi nước này bắt đầu tái cơ cấu thang điểm tăng lên đến 31. Những năm 90, điểm số vượt qua mức trung lập khi tăng đến 59.
Kề từ sau năm 2002 chỉ số dần giảm "nhiệt". Các nhà xã hội nhấn mạnh rằng chỉ trong vài tháng thái độ nhiệt tình đã giảm mạnh, tháng 6/2016, số điểm trung bình từ những người được hỏi chỉ ở mức 40. Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân xuất phát từ các công bố báo cáo điều tra của CIA về khả năng tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ.
Các nhà xã hội học cho rằng, kết quả này cũng phụ thuộc nhiều vào khuynh hướng chính trị của những người được khảo sát. Nếu những năm trước, nhóm ủng hộ đảng Cộng hòa có truyền thống thể hiện thái độ tiêu cực với Nga trái ngược với nhóm ủng hộ đảng Dân chủ, thì hiện nay tình thế đã đảo ngược. Đảng Cộng hòa cho Nga trên 35 điểm, còn Đảng Dân chủ chỉ cho 28 điểm.
Có một nghịch lý là, bất chấp thái độ hoài nghi về nước Nga, thì các cuộc khảo sát cũng cho thấy phần lớn người Mỹ ủng hộ tăng cường hợp tác với Moscow. Ví dụ, với 78% số người được hỏi cho rằng Mỹ có thể cùng Nga chấm dứt xung đột ở Syria, 79% cho rằng sự tham gia của Nga có thể hạn chế chương trình hạt nhân ở Iran, và 80% số người được khảo sát tin rằng nếu hai nước hợp tác thì có thể đạt hiệu quả trong việc cắt giảm vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.
Người Nga đang hướng về phương Tây
Trong khi chỉ số ở Chicago cho thấy thái độ lạnh nhạt của người Mỹ với Nga, thì thái độ của người Nga với Mỹ cũng chỉ cải thiện chậm chạp. Đây là số liệu trên Trung tâm nghiên cứu dư luận "Levada-Center"của Nga cuối tháng 11 vừa qua.
Cuộc khảo sát này được tiến hành trên 1.600 người ở 134 khu dân cư tại 48 khu vực của Nga. Kết quả cho thấy chỉ có 28% công dân Nga có thái độ tốt với Hoa Kỳ.Thái độ của người Nga với Liên minh châu Âu cũng được cải thiện hơn. Tỷ lệ những người có khuynh hướng nghiêng về EU tăng từ 27% lên đến 31%, trong khi tỷ lệ người có chiều hướng ngược lại giảm bớt đi.
Bên cạnh đó, 54% số người được hỏi tin rằng sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền tại Hoa Kỳ, quan hệ Nga-Mỹ sẽ cải thiện. Chỉ có 2% cho rằng mối quan hệ này sẽ xấu đi. 27% là số người nghĩ rằng mối quan hệ giữa hai nước dưới thời ông Trump sẽ chẳng có gì thay đổi.
Mặt khác, đại đa số người khảo sát (78%) tin rằng tổng thống Mỹ có những ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau tới đời sống người dân Nga. Chỉ có 16% không động tình với quan điểm này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump |
Mặt trái của truyền thông
Trưởng khoa Khoa chính trị tổng hợp của trường đại học Nghiên cứu quốc gia về Kinh tế ông Leonid Polyakov cho rằng, mối quan hệ Nga- Mỹ suy thoái bởi những ảnh hưởng của các phương tiện thông tin đại chúng. Theo quan điểm của ông, mặt trái của truyền thông Mỹ nói chung là đều công khai xu hướng thù ghét Nga.
Ông Polyakov bày tỏ: "Từ sáng đến tối người ta nói về điều đó trên kênh CNN. Hầu như mọi bình luận có liên quan đến Nga đều đưa ra thông tin nhằm thuyết phục người dân Mỹ rằng tất cả tội phạm đều đến từ Nga, và nước Nga không từ thủ đoạn để can thiệp vào hệ thống chính trị của Mỹ, và "nâng điểm" cho ứng cử viên có lợi cho Nga".
Nhà chính trị xã hội cho biết, người Mỹ đã bị thuyết phục rằng Nga là kẻ thù số một về địa chính trị. Đó là câu nói nổi tiếng của chính trị gia của đảng Cộng hòa Mitt Romney đã nhiều lần được truyền thông Mỹ trích dẫn.
Ông Leonid Polyakov nhận định rằng, truyền thông nước Mỹ hàng ngày đưa tin bịa đặt về tình hình Syria, và Aleppo, mô tả Nga là quân xâm lược khát máu, giết nhiều người vô tội. Sự kiện Ukraine càng củng cố niềm tin cho người dân Mỹ rằng Nga là một kẻ xâm lăng, đang ấp ủ kế hoạch thâu tóm các nước Baltic và Ba Lan cũng như các nước giáp biên giới Nga.
Trong khi đó, truyền thông Nga có cách làm việc hoàn toàn khác. Báo Nga cũng như các kênh truyền hình không hạn chế đưa tin về những lời chỉ trích của phương Tây và Mỹ. Những lời chỉ trích của truyền thông Nga thường nhằm vào các cá nhân hoặc nhóm chính trị cụ thể. Họ phản đối chiến dịch của đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama, phản đối phe "diều hâu" trong đảng Cộng hòa - những người thổi bùng sự thù ghét Nga cuồng loạn, khuyến khích áp đặt các biện pháp chống Nga, gây áp lực lên đồng minh châu Âu khiến những nước này phải theo họ. Và nhà khoa học cho biết, truyền thông Nga không chống lại Mỹ và người Mỹ, hay chống lại châu Âu hay người châu Âu nói chung.
Ông Leonid Polyakov nói: "Đây là sự khác biệt cơ bản giữa các phương tiện truyền thông Mỹ và Nga, một bên chỉ toàn đưa ra mảng xám đen, một bên cố gắng tách biệt những người Mỹ và người châu Âu khỏi vấn đề".
Ông cũng lưu ý rằng, trên thực tế ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ chủ yếu là nhờ một phần của chương trình tranh cử có đề cập tới xây dựng quan hệ đối tác với Nga. Nhà khoa học kết luận, dù bị tuyên truyền tư tưởng chống Nga bởi bộ máy truyền thông khổng lồ, nhưng rất nhiều người Mỹ không muốn nhìn nhận Nga như một kẻ thù.