Tại sao Hoa Kỳ tuyên bố trung lập trong tranh chấp Biển Đông?
Tại sao Hoa Kỳ tuyên bố trung lập trong tranh chấp Biển Đông?
Philippines: Trung Quốc "không dại" dùng quân sự ở biển Đông
Philippines quyết tâm quốc tế hóa vấn đề Biển Đông
Trung Quốc sẽ đưa quân đội vào vấn đề biển Đông
Hai bộ trưởng quốc phòng và hai bộ trưởng ngoại giao của Hoa Kỳ và Philippines vừa có cuộc họp tại Washington và thảo luận về tranh chấp của Philippines và Trung Quốc về bãi cạn Scarborough. |
Tại cuộc họp báo bên lề "2+2" giữa hai bộ trưởng quốc phòng và hai bộ trưởng ngoại giao của Philippines và Hoa Kỳ tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton tuyên bố nước này sẽ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp này nhưng khuyến khích hai bên tìm kiếm một giải pháp hoà bình khi cuộc tranh chấp đã kéo dài đến tuần thứ ba.
"Mặc dù chúng tôi không đứng hẳn về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, với vai trò là một cường quốc Thái Bình Dương, chúng tôi có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải, duy trì hoà bình và sự ổn định, tôn trọng luật phát quốc tế và giao thương tự do, hợp pháp trên các tuyến đường hàng hải của chúng tôi", bà Clinton nói.
"Hoa Kỳ ủng hộ các bên liên quan hợp tác ngoại giao để giải quyết các tranh chấp. Chúng tôi phản đối hành động đe doạ hay dùng vũ lực của bất kì bên nào tham gia tranh chấp. Và chúng tôi sẽ duy trì mối quan hệ mật thiết với đồng minh của chúng tôi, Philippines", bà Clinton nhấn mạnh.
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, các bộ trưởng tái khẳng định nhiệm vụ chung của hai phía thực hiện Hiệp ước quốc phòng song phương nhằm thích nghi với thế giới đổi thay và sự phát triển năng động của khu vực.
Mặc dù tại cuộc họp "2+2", 4 vị bộ trưởng thảo luận về vô số vấn đề trong khu vực nhưng căng thẳng hiện nay giữa Philippines và Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận, đặc biệt sau khi Trung Quốc cảnh cáo Philippines không đưa Mỹ vào cuộc tranh chấp này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã hứa sẽ gửi tàu chiến thứ hai cho các lực lượng vũ trang Philippines để tăng cường năng lực quốc phòng của nước này.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đề cập đến tình trạng "vô cùng tồi tệ" của các lực lượng vũ trang nước này và nhận định "điều tồi tệ hơn là trong khi tình trạng đó là thực tế thì chúng tôi chỉ có thể tự trách mình về điều đó. Để Philippines ngày càng giảm thiểu sự lệ thuộc vào Mỹ và với tình trạng tồi tệ đó (của quân đội), bằng mọi khả năng có thể chúng tôi phải kiềm chế hành động quân sự. Về mình, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình", ông nói.
Về tranh chấp với Trung Quốc, ông Del Rosario cho biết Philippines dang theo đuổi "các tiếp cận 3 hướng" để giải quyết: tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia thành viên ASEAN khác, gửi hồ sơ giải quyết tranh chấp lên toà án Quốc tế dựa theo Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển và tiếp tục các cuộc đàm phán ngoại giao với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng.
Philippines tuyên bố đã chuẩn bị sẽ đơn phương gửi hồ sơ lên Toà án quốc tế về luật biển sau khi Trung Quốc từ chối lời mời của nước này cùng tham gia giải quyết tranh chấp.
Bình luận về tuyên bố trung lập của Mỹ, tờ Economist cho rằng Hoa Kỳ muốn "tung hoả mù" để Trung Quốc không biết rõ ngòi nổ của một cuộc xung đột vũ trang đang nằm chính xác ở đâu.
Cả Hoa Kỳ và Philippines đều phủ nhận cuộc tập trận chung vừa qua của hai nước là nhắm đển Trung Quốc. Trung Quốc thì tuyên bố cuộc tập trận này sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu. Báo chí nước này thậm chí còn tỏ ra vô cùng tức giận khi Mỹ và Việt Nam tập trận chung tại cảng miền trung Việt Nam vào ngày 23/4 vừa qua mặc dù Hoa Kỳ tuyên bố cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch từ lâu.
Trong khi đó bản thân Trung Quốc có vẻ như cũng tiến hành một chiến thuật tương tự Mỹ, khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc thuyết phục Philippines rút tàu chiến và tuyên bố rút tàu nước mình ra khỏi khu vực tranh chấp. Philippines cũng hi vọng cả hai bên cùng rút tàu để tránh đối đầu, nhưng thực tế hai tàu hải giám và tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn ở lại, trái ngược với tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này.
Theo Economist, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đang chơi trò đoán ý đối phương hay còn được gọi là trò chơi diều hâu - bồ câu và đó là một trò chơi nguy hiểm.
Tùng Lâm