Tại sao Đông Nam Á trở thành một “điểm nóng” khủng bố?
Ngay sau khi Indonesia tuyên bố độc lập, các phần tử Hồi giáo cực đoan đã cố thiết lập một quốc gia Hồi giáo hay còn gọi là Darul Islam và châm ngòi một cuộc nổi dậy ở Java, cuộc chiến phải mất nhiều năm mới kết thúc.
Cộng đồng Hồi giáo ở Philippines, Moros cũng tiến hành một cuộc đấu tranh vũ trang đòi quyền tự trị kéo dài nhiều thập kỷ. Và cộng đồng Hồi giáo Malay chiếm đa số ở các tỉnh miền Nam Thái Lan cũng khơi mào cho tình trạng bạo lực chống lại nhà nước trong những năm 1960.
Katibah Nusantara, nhánh IS ở Malaysia, đã tung đoạn video tuyên truyền kêu gọi mọi người gia nhập nhóm phiến quân ở Đông Nam Á. Nguồn: Huffington Post |
Giáo sư Carl Thayer nhận định, những điểm nóng khủng bố ở Đông Nam Á một lần nữa lại tái bùng phát do các chiến binh quay trở về từ Afghanistan sau khi được tổ chức khủng bố Al Qaeda huấn luyện.
Jemmah Islamiyah (JI), nhóm phiến quân Hồi giáo bắt nguồn từ Indonesia, đã tìm cách tập hợp lực lượng phiến quân ở Malaysia, Singapore, miền nam Philippines và thậm chí là cả ở Australia.
Sự trỗi dậy của IS và tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã thu hút hàng trăm tình nguyện viên từ Đông Nam Á và Australia chiến đấu tại Syria và Iraq.
“Các quan chức an ninh cho rằng IS đang mất dần lãnh thổ và bị yếu thế do những thương vong liên tiếp trên các chiến trường Trung Đông, vì vậy các cựu binh Đông Nam Á này sẽ quay trở về quê hương, mang theo các kỹ năng quân sự và khả năng tổ chức để tái bùng nổ chủ nghĩa khủng bố tại đây”, ông Thayer cho biết.
“IS lan sang phương Đông”
Việc nhóm Abu Sayiaf tuyên bố gia nhập IS và một loạt các vụ khủng bố gần đây ở Đông Nam Á cho thấy khu vực này đang bước vào cuộc chiến cam go chống IS.
Các nhà lãnh đạo của một số quốc gia Đông Nam Á có nhiều lý do để lo ngại đặc biệt trước tham vọng địa-chính trị của Nhà nước Hồi giáo. Cuối năm ngoái, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, tướng Gatot Nurmantyo, từng cảnh báo rằng IS đang xây dựng căn cứ của lực lượng này ở đảo Mindanao, cực nam Philippines.
Một số nhóm phiến quân Hồi giáo lớn ở khu vực Đông Nam Á. Nguồn: The Star |
Các quan chức an ninh tại Đông Nam Á đã chỉ ra rằng môi trường xã hội ở đây có những yếu tố khiến cho ý tưởng của IS được tiếp nhận. Với gần 300 triệu tín đồ, chiếm 15% tổng số người theo đạo Hồi trên thế giới, Đông Nam Á là môi trường thuận lợi để IS dễ dàng truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ đi theo con đường khủng bố. Mục đích của chúng là thành lập một quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á, bằng việc hợp nhất các tổ chức Hồi giáo ở Indonesia, Malaysia, miền nam Philippines, Singapore và Brunei.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng, những cựu binh Hồi giáo từ Afghanistan được Al Qaeda huấn luyện đã tạo ra một phong trào “phôi thai” ở Đông Nam Á trong những năm 1990, lan rộng ra Malaysia, Indonesia và miền nam Philippines.
Theo ông Thayer, việc quay trở lại của các cựu binh từ Trung Đông là một mối lo ngại sâu sắc của các quan chức an ninh bởi lực lượng này có kiến thức về chất nổ và có thể tiến hành các cuộc tấn công lấy đi mạng sống của nhiều người dân vô tội.
Các nước Đông Nam Á cần phải làm gì?
Theo ông Alex Bomberg, Trưởng nhóm An ninh và Tình báo Quốc tế có trụ sở ở London (Anh), những diễn biến liên quan đến IS trên khắp châu Á gần đây cho thấy tổ chức này đã sẵn sàng tấn công Đông Nam Á. Hiện IS đang đẩy mạnh việc tuyển dụng người dân bản địa để sử dụng những người này thực hiện tấn công khủng bố tại đất nước của mình.
Trong bối cảnh IS ngày càng suy yếu ở Trung Đông và cần có một địa bàn mới để đứng chân, khả năng IS hướng tới thành lập một “vương quốc Hồi giáo” ở Đông Nam Á là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Việc hình thành chi nhánh IS đầu tiên ở Đông Nam Á chính là sự khởi đầu cho ý tưởng này. Trước tình hình trên, các quốc gia Đông Nam Á cần phải làm gì để chống lại thảm họa khủng bố?
Lực lượng an ninh các nước Đông Nam Á đang nỗ lực ngăn chặn khủng bố lan rộng. Nguồn: Reuters |
Theo giáo sư Thayer, hiện nay chưa có một nhóm khủng bố vũ trang nào lớn ở Malaysia hay Indonesia. Có những tổ chức Hồi giáo vũ trang ở miền nam Philippines nhưng lực lượng này hình thành từ nhiều bè phái khác nhau, với các mục tiêu hoạt động khác nhau.
“Các nước Đông Nam Á cần phải thực thi hai chiến lược: một là, ban hành các quy định luật pháp hợp lý, có thể đối phó với tình trạng bạo lực vũ trang nhằm giảm thiểu thương vong cho dân thường; hai là phải có chiến lược cần thiết để giải quyết những mối bất bình của lực lượng khủng bố, vốn là nguồn gốc phát sinh cho các cuộc chiến. Điều này có nghĩa là cần phải tăng cường quản lý, tăng cường quy định của luật pháp, không phân biệt đối xử và chủ trương công bằng xã hội”, giáo sư Thayer cho biết.