Tại sao cần chú ý tới bầu cử Tổng thống Pháp năm nay?
Theo chuyên gia Chris Cillizza của CNN, lý do cần phải quan tâm tới cuộc bầu cử ở Pháp năm nay là sự hiện diện của bà Marine Le Pen trong cuộc đua. Le Pen, người theo thăm dò dư luận sẽ dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu vòng một khi kết quả được công bố vào đêm mai 23/4, là một người theo chủ nghĩa dân túy, luôn bày tỏ sự phản đối với người nhập cư và khủng bố Hồi giáo.
Sau vụ nổ súng ở đại lộ Champs Elysees đêm 20/4 khiến một sĩ quan cảnh sát thiệt mạng, bà Le Pen đã yêu cầu đóng cửa tất cả các nhà thờ Hồi giáo ở Pháp và ngay lập tức trục xuất những người trong danh sách theo dõi khủng bố của lực lượng chức năng nước này.
Sự việc này có thể là “đòn bẩy” hỗ trợ cho bà Le Pen trong những giờ cuối cùng của chiến dịch tranh cử, chứng minh thêm những mối nguy hiểm do chủ nghĩa khủng bố mang lại. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đưa ra nhận định tương tự trong cuộc phỏng vấn với AP hôm qua (21/4) rằng vụ tấn công này sẽ “giúp” bà Le Pen.
Bà Le Pen, ứng viên theo chủ nghĩa dân túy trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Nguồn: CNN |
“Bà Le Pen là ứng viên mạnh mẽ nhất về các vấn đề biên giới, bà là người mạnh nhất có thể đối phó được với những gì đang diễn ra ở Pháp”, ông Trump khẳng định.
Những lời nhận xét của ông chủ Nhà Trắng về bà Le Pen được đưa ra chỉ một ngày sau khi cựu Tổng thống Barack Obama gọi điện cho ông Emmanuel Macron, ứng viên cánh tả được coi là “thách thức khó khăn nhất” của bà Le Pen.
“Thông điệp chính mà tôi muốn gửi tới ông là tất cả những gì tốt đẹp nhất trong những ngày tới. Hãy đảm bảo rằng, như ông đã nói, ông sẽ làm việc chăm chỉ cho tới cùng. Bởi ông không bao giờ biết được điều gì có thể xảy ra trong ngày cuối cùng của cuộc bầu cử cũng có thể làm thay đổi tất cả”, ghi âm của ông Obama nói với ông Macron qua điện thoại được đăng tải trên trang Twitter của ứng viên Tổng thống Pháp ngày 20/4.
Không giống như quan điểm cứng rắn của bà Le Pen về vụ tấn công khủng bố mới đây, ông Macron mang phong cách khá giống cựu Tổng thống Obama. “Chúng ta không nên sợ hãi, chúng ta không thể để bị chia cắt, chúng ta sẽ không để bị dọa dẫm. Lựa chọn mà các bạn đưa ra ngày Chủ Nhật cần phải là một lựa chọn vì tương lai”, ông Macron cho biết.
Kể cả trước khi ông Trump và ông Obama thể hiện quan điểm đối với cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, thì sự kiện chính trị này đã được xem là cuộc thử nghiệm mới nhất của chủ nghĩa dân túy đang chiếm ưu thế trên toàn cầu hiện nay. Sự trỗi dậy của xu hướng chính trị này đã dẫn tới việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu cũng như chiến thắng bất ngờ của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 11/2016. Bà Le Pen luôn coi mình là một nhà yêu nước bảo thủ với niềm tin mãnh liệt rằng người nhập cư đã làm xói mòn lý tưởng của nước Pháp và điều đó cần phải bị loại bỏ.
Hiện nay, dư luận Pháp đang quan tâm nhất đến bốn ứng viên dẫn đầu, đó là ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron; Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen; cựu Thủ tướng François Fillon và nhà lãnh đạo của phong trào “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélenchon.
Cơ hội lọt vào vòng hai đang được chia đều cho cả bốn ứng viên, vì càng gần đến ngày bỏ phiếu, khoảng cách giữa các ứng cử viên này càng được rút ngắn, với cách biệt giữa người đứng đầu tốp 4 với người đứng cuối chỉ là 5%. Điều này khiến mọi dự đoán đều có thể bị đảo ngược và cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay được cho là cuộc đua chứa đựng nhiều nhân tố bất ngờ.
Cuộc đua giữa hai ứng viên cuối cùng sẽ được hé lộ vào ngày 7/5. Nếu đó là sự đối đầu giữa bà Le Pen và ông Macron thì chắc chắn cộng đồng thế giới sẽ còn nghe nhiều về cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay, về ý nghĩa của nó đối với phong trào dân túy toàn cầu đã đưa ông Trump tới Nhà Trắng một cách “đường đường chính chính”.