Tai nạn sập đường hầm Nhật Bản khiến các nước phát triển “rùng mình”
Tai nạn sập đường hầm Sasago của Nhật Bản hôm 2/12 |
Cố vấn kinh tế - Toshihiro Nagahama tại Viện Nghiên cứu Sự sống Dai-Ichi, Nhật Bản nhận định: “Công việc bảo dưỡng thường bị lãng quên bởi ít người nhận thức được tầm quan trọng của nó”.
Tai nạn sập đường hầm Sasago (35 năm tuổi) nằm cách thủ đô Tokyo 80 km về phía tây đã cướp đi sinh mạng của 9 người khi những tấm trần của đường hầm đổ sụp xuống 3 chiếc ô tô đang lưu thông.
Hiện tại, nguyên nhân gây ra tai nạn đáng tiếc trên vẫn chưa được làm rõ song theo kết quả điều tra ban đầu khả năng phần kết cấu bên trong công trình đã bị hủy hoại dưới tác động của các trận động đất và lượng xe lưu thông đã làm hơn 1 tấn trần hầm sụp đổ vào ngày 2/12.
Ngay sau vụ tai nạn, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu thành lập ngay lập tức các đoàn kiểm tra toàn bộ những công trình có cùng thiết kế như hầm Sasago. Trong khi đó, cảnh sát Nhật Bản đang tiến hành điều tra những người liên quan tới vụ tai nạn trên cũng như việc khoản tiền dùng để bảo dưỡng công trình đã được sử dụng như thế nào.
Vụ tai nạn hôm 2/12 đã làm dấy lên làn sóng lo sợ trong người dân Nhật Bản – một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực kỹ thuật trên thế giới với việc xây dựng hàng loạt công trình quy mô lớn kể từ sau Thế chiến thứ 2.
Bộ Hạ tầng Nhật Bản cho biết hơn 8% trong tổng số 155.000 cây cầu tại nước này có tuổi thọ trên 50 tuổi và tới năm 2030, con số này sẽ nâng lên một nửa. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ phải cần khoảng 190 ngàn tỷ yên (2,3 ngàn tỷ USD) trong vòng 50 năm tới để thực hiện nhiệm vụ duy trì và bảo dưỡng những công trình sẵn có.
Sự kiện sập hầm tại Nhật Bản không phải là tai nạn đầu tiên trên thế giới xảy ra do thiếu khoản đầu tư nâng cấp công trình.
Vào năm 2006, thành phố New York đã phải hứng chịu đợt mất điện trên diện rộng do đường dây điện không được bảo trì thường xuyên.
Hồi năm 2007, thành phố Minneapolis của Mỹ đã phải chứng kiến thảm họa sập cây cầu cao 33 m với 8 làn đường, đồng thời cướp đi sinh mạng của 13 người và khiến 145 người bị thương.
Trong năm 2009, vụ cháy rừng tại Australia đã khiến 173 người thiệt hại do hệ thống đường dây điện giăng như mạng nhện.
Hiệp hội Kỹ sư dân dụng Hoa Kỳ ước tính chỉ riêng hoạt động nâng cấp hệ thống cầu, đường bộ, đường thủy và dây điện trong vòng 10 năm tới sẽ tiêu tốn của Mỹ hết 2,2 ngàn tỷ USD. Song theo những kế hoạch mới được đệ trình, chính phủ Mỹ sẽ tiến hành cắt giảm hơn một nửa số tiền trên, cộng thêm với việc tránh vấp phải “vách đá tài khóa” thì khả năng ngân sách đầu tư liên bang sẽ còn cắt giảm nhiều hơn nữa.
Điều đáng ngại, trong những cuộc điều tra trước đây, kỹ sư công trình dân dụng - Aleksandar Pavic cho biết chính phủ Anh còn tỏ ra “ngạc nhiên” khi một số công trình tại sứ xở xương mù “bỗng nhiên hư hỏng” trong khi chúng được xây dựng từ thế kỷ 19.
Cố vấn kinh tế Nagahama nhấn mạnh cần có những chính sách mạnh mẽ để duy trì khoản đầu tư nâng cấp các công trình trong trường hợp chúng bị gạt bỏ. “Tai nạn sập hầm hôm 2/12 là hồi chuông cảnh tỉnh sự nhận thức mức độ an toàn của các công trình với toàn cộng đồng và các chính phủ”, ông Nagahama nói.