Tái đắc cử, Thủ tướng Israel đưa Iran ra làm 'vật tế thần'
Thủ tướng Irael Benjamin Netanyahu (trung tâm bức ảnh) giơ tay vẫy chào đám đông người ủng hộ. |
Theo các thăm dò dư luận cuối cùng, liên minh cầm quyền Israel Likud cánh hữu - Yisrael Beitenu, dân tộc chủ nghĩa cực đoan của ông Netanyahu sẽ tiếp tục là khối lớn nhất trong Quốc hội dù chỉ giành được khoảng 32 ghế - giảm so với ở cuộc bầu cử trước nhưng đủ để tạo lập một đa số với các đảng cánh hữu.
"Tôi tự hào khi trở thành thủ tướng của các bạn và tôi cảm ơn các bạn đã cho tôi cơ hội lần thứ 3, để dẫn dắt đất nước Israel", nhà lãnh đạo 63 tuổi tuyên bố trước đám đông người ủng hộ trong sáng sớm hôm nay tại trụ sở chiến dịch vận động của ông.
Netanyahu cho biết, ông dự đinh tạo dựng một liên minh Chính phủ rộng nhất có thể và sẽ tìm kiếm những đối tác khác ngoài các đồng minh tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũ của mình. Nhân vật đầu tiên ông quan tâm có khả năng là ông Yair Lapid, cựu bình luận viên truyền hình, chủ trương ôn hòa.
"Thách thức đầu tiên vẫn đã và đang gắn liền với sứ mệnh ngăn chặn Iran đạt được giấc mơ vũ khí hạt nhân", ông Netanyahu nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận của tờ Haaretz, chỉ 10% người Israel cho rằng Iran là mối bận tâm lớn nhất trong khi 47% nhấn mạnh, các vấn đề kinh tế - xã hội cần được quan tâm nhất. Từ trước đến nay, Thủ tướng của Israel vẫn luôn khẳng định, chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với Israel và không ngừng tuyên bố, sẽ can thiệp quân sự để ngăn chặn láng giềng đạt được mục đích cuối cùng, thổi bùng lên nỗi quan ngại của người dân trong khu vực, theo đó có thể đánh lạc hướng dư luận ra khỏi những khó khăn trong nước.
Về phía Iran, họ nhiều lần phủ nhận các cáo buộc chế tạo bom nguyên tử, và tuyên bố Israel mới là mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực khi nhiều người tin, nhà nước Do Thái chính là chủ sở hữu của kho vũ khí hạt nhân duy nhất ở Trung Đông.
Ngoài ra, ông cũng không ngại gây hấn với người Palestine dù đồng minh phương Tây và Mỹ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hòa bình. Kể từ năm 2010, khi các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ làm trung gian thất bại, Israel đã thúc đẩy việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây và Đông Jerusalem dù bị nhiều đồng minh phương Tây chỉ trích.
Phương Đăng