Vợ chồng 8 năm không thể có con, lý do ai cũng ngỡ ngàng
Đây là chia sẻ của Thượng uý quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Thị Hạnh bên ngoài trường quay Gala “Hạt mầm khát vọng” diễn ra vào tối 3/12.
Thống kê của Cục Quân y, Bộ Quốc phòng, hiện nay toàn quân có khoảng hơn 3.000 quân nhân hiếm muộn đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Với đặc thù thường xuyên phải công tác xa gia đình, thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi biên cương, hải đảo,… đứa con chính là sợi dây gắn kết giữa những người lính nơi tiền tuyến xa xôi với hậu phương nơi quê nhà. Tuy nhiên, hơn 3.000 quân nhân đang phải sống trong những ngày mòn mỏi mong con.
Trong số này phải kể đến trường hợp gia đình Thượng uý Quân nhân chuyên nghiệp Ngô Văn Cường và Thượng uý QNCN Nguyễn Thị Hạnh (cả hai đều công tác tại Kho K812, Cục Quân khí, Tổng cục Kĩ thuật) ở Nghệ An.
Nữ quân nhân với thân hình gầy gò ngân ngấn kể với phóng viên về gia cảnh éo le của mình. Hai vợ chồng kết hôn từ năm 2014. Hơn một năm sau ngày cưới dù không kế hoạch nhưng mãi không có con, họ quyết định đi khám.
“Các bác sĩ phát hiện anh bị tắc ống dẫn tinh. Anh sốc. Bởi trước đó, đời sống tình dục của cả hai không có gì bất thường”, chị Hạnh ngân ngấn nước mắt kể.
Gom góp được ít tiền tiết kiệm, vợ chồng Hạnh quyết định đi thụ tinh trong ống nghiệm. Lần thứ nhất không thành công, lần thứ 2 vợ chồng chị Hạnh chuyển bệnh viện nhưng phải đến lần thứ 3 làm IVF thì niềm vui mới đến với vợ chồng.
Nhưng, chị Hạnh mang thai đến tháng thứ 6 thì con lại…bỏ mẹ mà đi.
“Em khóc không còn nước mắt. Nỗi đau tưởng chừng không thể gắng gượng được nữa”, Hạnh nghẹn giọng.
Chưa dừng lại ở đó, đôi vai của cặp vợ chồng quân nhân còn thêm phần nặng trĩu vì nỗi buồn cứ ập đến liên tiếp với gia đình anh chị. Bố và em trai chị Hạnh đã mất vì ung thư, mẹ chị lại là người tiếp theo mắc căn bệnh này.
Hai vợ chồng phải tạm gác lại hành trình tìm con của mình để tập trung chăm sóc mẹ. Vì cả hai đều là quân nhân nên họ phải tranh thủ những ngày phép ít ỏi để thay phiên nhau ra với mẹ đang điều trị tại Hà Nội. Ước mơ tưởng chừng đơn giản với các cặp đôi sau kết hôn nhưng với anh Cường chị Hạnh mãi chưa chạm đến được.
Trước hoàn cảnh của gia đình, chị Hạnh đã được lựa chọn là 1 trong 10 gia đình được hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí trong khuôn khổ chương trình “Hỗ trợ Quân nhân hiếm muộn”. Chương trình do Trung tâm Phát thanh- Truyền hình Quân đội phối hợp với Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức.
Chia sẻ với phóng viên về căn bệnh mà chồng chị Hạnh mắc phải, Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Hữu Việt – Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết trong trường hợp không có tinh trùng được chia làm 2 nhóm.
Nhóm thứ nhất do đường dẫn. Trong nhóm này lại được chia thành hai loại: một do bị tắc hoàn toàn, có tinh trùng bên trong nhưng không đi ra được. Đây là tình huống mà chồng bệnh nhân Hạnh gặp phải. Và nhóm thứ 2 là không có ống dẫn tinh (bệnh bất ống tinh mào sinh- nguyên nhân do bẩm sinh).
“Bị tắc ống dẫn tinh sẽ có hai lựa chọn, trong đó có biện pháp cắt bỏ đoạn tắc để nối thông. Nếu thông được thì có thể có con tự nhiên được.
Trường hợp này thường được áp dụng đối với những cặp vợ chồng còn trẻ, thời gian kết hôn còn sớm và nguyện vọng của họ có con tự nhiên thì có thể tiến hành vi phẫu nối ống tinh, mào tinh để có con tự nhiên”, Ths. BS Đinh Hữu Việt cho hay.
Tuy nhiên, do anh Cường cũng không còn trẻ, chị Hạnh cũng bị tắc một bên vòi trứng nên vợ chồng họ không lựa chọn phương pháp mổ cắt đoạn tắc để nối thông mà thụ tinh trong ống nghiệm luôn. Hiện tại chị Hạnh đang trong giai đoạn kích trứng, chờ sức khoẻ ổn hơn thì sẽ làm thụ tinh.
Tắc ống dẫn tinh là một bệnh lý khá phổ biến ở nam giới và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản. Theo đó, tắc ống dẫn tinh là hiện tượng ống dẫn tinh trùng bị tắc nghẽn tại một vị trí nào đó nên khi quan hệ, nam giới dù đạt cực khoái và xuất tinh nhưng tinh trùng không thể thoát ra ngoài.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân đầu tiên gây ra tình trạng này là do nam giới mắc phải một số bệnh viêm nhiễm hệ sinh dục như: viêm bàng quang, xoắn tinh hoàn, viêm niệu đạo,…
Tiếp đến có thể do bị chấn thương vùng bẹn bìu, chấn thương đáy chậu nếu chủ quan, không điều trị đúng phương pháp đều có thể để lại biến chứng là tắc ống dẫn tinh. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản về sau, thậm chí là vô sinh hiếm muộn.
Nguyên nhân tiếp theo cũng được các bác sĩ nhắc đến là nam giới có các khối u. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh nhiều nam giới không ngờ tới. Việc hình thành các khối u ở cơ quan sinh dục nam như ung thư mào tinh hoàn, ung thư tuyến tiền liệt hay ung thư túi tinh,… gây ra các tổn thương và khiến cho ống dẫn tinh bị tắc.
Biểu hiện nam giới bị tắc ống dẫn tinh theo BS Hữu Việt thường tinh hoàn sẽ bị thu hẹp lại, nhỏ hơn so với bình thường. Khó có khả năng có con mặc dù vẫn quan hệ tình dục đều đặn và không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào.
BS Đinh Hữu Việt cũng cảnh báo, tỷ lệ vô sinh ở người trẻ ngày một gia tăng với tỷ lệ ở nam và nữ gần như nhau. Nguyên nhân do kiến thức sức khoẻ sinh sản tăng lên, các cặp đôi đi khám vô sinh hiếm muộn sớm hơn. Ngoài ra việc sử dụng nhiều chất kích thích - rượu bia, thuốc lá…, stress, hạn chế vận động, thủ dâm quá mức, quan hệ tình dục thiếu lành mạnh… của giới trẻ cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh ở nhóm tuổi này ngày một gia tăng.
N. Huyền