Tác dụng bất ngờ của loại quả miền Tây hấp dẫn chị em nội trợ Hà thành
Nhiều năm nay, quả sa kê từ miền Tây được nhiều chị em nội trợ Hà thành ưa chuộng vì ăn lạ miệng, chế biến được nhiều món.
Chị Lê Kim Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ chị được ăn quả sa kê cách đây 7 năm và rất mê hương vị loại quả này. Không chỉ mua ăn khi trái rộ mùa, bà nội trợ này còn mua nhiều về gọt sạch vỏ, hút chân không, cất ngăn đá để ăn dần.Chị Kim Anh cho biết năm nay chị mua sa kê giá 40 nghìn đồng/kg, mỗi quả nặng khoảng 1 – 1. 5 kg.
Cũng nghiện sa kê, chị Đỗ Thị Vân (Long Biên, Hà Nội) cho biết nhà chị có người quen ở Cần Thơ, năm nào đến mùa sa kê chị cũng nhờ người quen gửi ra Hà Nội cho chị mấy quả để ăn. Loại quả gây thương nhớ nếu đã ăn một lần.
Sau khi được nấu chín, bề mặt quả sake giống như ổ bánh mì nướng, vị ngon giống như khoai tây béo bùi.
Quả sa kê được nhiều nhà hàng, chị em nội trợ Hà Nội tìm mua. |
Quả sa kê được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, trong vài năm gần đây nhiều người buôn quả sa kê từ miền nam ra Bắc bán. Những món ngon từ quả sa kê như sa kê hầm xương, chè sa kê, bánh sa kê, sa kê kho, gỏi sa kê, giò sa kê.
Theo bác sĩ Hoàng Sầm – Chủ tịch Viện Y học Bản địa Việt Nam, sa kê là cây thân gỗ, lá và quả, vỏ của nó đều có tác dụng trị bệnh.
Theo Đông y, thịt của quả sa kê của tác dụng bổ tỳ, ích khí. Còn hạt thì có tác dụng bổ trung ích khí, lợi trung tiện, vỏ cây có tác dụng sát trùng, lá có tác dụng kháng sinh, tiêu viêm lợi tiểu.
Người dân thường uống nước lá sa kê sắc có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, có thể chữa được bệnh phì thũng, bí đái. Tuy nhiên, bác sĩ Sầm cũng khuyến cáo bạn chỉ nên dùng lá sắc uống trong trường hợp phù thũng, bí tiểu hoặc viêm nhiễm. Không nên uống thường xuyên, uống quá nhiều. Ngoài tác dụng tiêu viêm lợi tiểu, lá cây sa kê còn có tính độc nhất định.
Một số quốc gia người ta sử dụng rễ cây sa kê để trị bệnh hen, các chứng rối loạn dạ dày, đau răng, bệnh về da. Vỏ cây sa kê dùng trị ghẻ ngứa. Nhựa của cây được pha loãng trị tiêu chảy và lỵ. Lá tươi của cây sa kê có thể dùng với lá đu đủ giã nhỏ đắp trị mụn.
Trong dân gian, người ta còn dùng lá sa kê trị viêm gan vàng da bằng cách nấu là tươi để uống. Ngoài ra, lá cây sa kê phối hợp với một số loại lá khác trị bệnh răng miệng, gút, tiểu đường.
Quả sa kê cũng có tác dụng tốt trong việc nuôi dưỡng da, tóc nó chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho việc duy trì sức khoẻ của tóc. Vitamin C trong sa kê tạo điều kiện cho sự hấp thu khoáng chất và cung cấp dinh dưỡng cho tóc. Là nguồn cung cấp omega -3, omega- 6 giảm gãy rụng tóc. Các axit béo điều chỉnh việc sản xuất bã nhờn ở da đầu, giảm gàu ngứa, đồng thời ức chế viêm da đầu và tế bào chết, ngăn ngừa rụng tóc.
Sa kê là loại cây thường được trồng làm cảnh, tạo bóng mát trong khuôn viên cơ quan, trồng quanh nhà, đường phố,… ngoài ra, đây còn là vị thuốc khá công dụng nhiều người biết đến như thanh nhiệt, giải độc gan, điều trị bệnh tiểu đường, trị táo bón.
K. Chi