Syria: Phương Tây sẽ dùng vũ lực vì ngoại giao thất bại
Syria: Phương Tây sẽ dùng vũ lực vì ngoại giao thất bại
Thổ Nhĩ Kỳ điều 6 phi cơ F-16 tới Syria
Thổ Nhĩ Kỳ 'xử' Syria ra sao?
Syria: không bên nào ủng hộ nghị quyết Geneva
Sau khi nghị quyết Geneva về Syria thất bại, có khả năng phương Tây sẽ dùng vũ lực để lật đổ Tổng thống Assad. |
Hôm thứ Bảy tuần trước tại Geneva, các cường quốc thế giới đã cho thấy sự đoàn kết, mặc dù còn yếu ớt, khi cùng nhau ký vào nghị quyết ủng hộ một chính phủ chuyển giao cho Syria. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao dẫn đầu là đặc phái viên Liên Hợp Quốc Kofi Annan đã không thể nào xóa bỏ sự khác biệt giữa phương Tây và Nga (với sự ủng hộ của Trung Quốc) về việc Tổng thống Syria Assad có phải ra đi hay không.
Cả chính quyền Assad và lực lượng đối lập đều không ủng hộ nghị quyết này; thay vào đó hai bên lại tiếp tục dấn sâu hơn vào cuộc xung đột ròng rã nhiều tháng nay và có nguy cơ sẽ là nhiều năm nữa.
Washington từ lâu đã lo ngại về việc hậu thuẫn cho lực lượng đối lập ở Syria, lực lượng mà Hoa Kỳ nhận thấy là tổ chức kém, phân tán và quá thân cận với các phiến quân có quan hệ với Al Qaeda. Ngoài ra, khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần, Nhà Trắng muốn tránh bất kì sự can thiệp quân sự nào giống cuộc chiến Afghanistan, một cuộc chiến này đến giờ vẫn chưa biết bao giờ sẽ kết thúc.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn khẳng định rằng một số đồng minh của mình đã tích cực ủng hộ phong trào nổi dậy ở Syria.
“Chúng tôi cảm thấy lo ngại nếu phải đổ thêm vũ khí vào một nơi đã bị quân sự hóa quá mức”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói, “Chúng tôi đã ra quyết định của mình”.
“Các quốc gia khác cũng đang ra quyết định. Mục tiêu của chúng tôi là luôn liên kết với nhau”, bà Nuland nói.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại rằng sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài sẽ chỉ làm tình hình Syria tồi tệ hơn.
“Một thực tế không may là tình hình (Syria) rất phức tạp và không thể nào biết nó sẽ đi đến đâu”, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ về Trung Đông, Ari Ratner nói.
“Các quốc gia khác đang lún sâu vào một cuộc chiến ủy quyền mà bản thân nó có thể nuôi dưỡng tình trạng bạo lực”, ông Ratner bình luận.
Hôm qua, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Navi Pillay đã than vãn rằng cả hai phía ở Syria đều đang nhận ngày càng nhiều vũ khí, và đang hành động bạo lực hơn.
Tương quan với lực lượng của chính quyền Assad - lực lượng ngày càng dùng các loại vũ khí hạng nặng, không chỉ có xe tăng và xe bọc thép mà còn cả pháo và máy bay trực thăng tấn công – thì lực lượng đối lập lại được vũ trang khá rải rác và chỉ có thể tiến hành tấn công rồi ngay lập tức rút quân.
Trong khi lực lượng này đã chiến đầu hàng tháng trời tại các điểm nóng như thành phố Homs với lượng vũ khí buôn lậu qua biên giới Syria - Li Băng thì lực lượng này vẫn hầu như chưa chiếm được thành phố.
Trong khi dư luận cảm thấy thiếu chắc chắn về một hành động có thể giải quyết khủng hoảng thì lại có thể cảm thấy chắc chắn rằng con đường ngoại giao hầu như không có tác dụng.
“Rõ ràng là các bánh xe vẫn đang quay nhưng lại không tiến lên phía trước”, Hayat Alvi, giảng viên chuyên nghiên cứu Trung Đông của trường đại học chiến tranh hải quân Hoa Kỳ, nhận xét.
“Bằng chứng là chính quyền Assad vẫn tiếp tục hành động bạo lực chống lại nhân dân Syria mặc dù các bánh xe ngoại giao vẫn quay. Đó có thể là kịch bản cho các tháng sắp tới”.
Ngoài ra, các quan chức phương Tây cũng có vẻ đang từ bỏ tham vọng thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin thôi ủng hộ Tổng thống Assad nữa có lẽ vì đơn giản là điều đó sẽ không xảy ra.
Sau khi cùng nhau không phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khiến phương Tây mở chiến dịch lật đổ nhà cựu lãnh đạo Libya vào năm ngoái, lần này Nga và Trung Quốc không tỏ dấu hiệu sẽ để điều đó lặp lại với Syria.
Hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng nếu các cường quốc khác thực sự ủng hộ nhóm Những người bạn Syria, “thì chúng ta sẽ rơi vào tình trạng không thể nhất trí về bất kỳ điều gì”.
Với kết quả thất bại của nghị quyết Geneva, có lẽ các cường quốc phương Tây đang băn khoăn liệu việc tham gia cuộc họp đó có phải là vô nghĩa không.
“Rất khó có thể nói nghị quyết đó sẽ tạo ra khác biệt gì”, nhà nghiên cứu Ratner của Quỹ Truman nhận xét.
“Việc đối thoại với người Nga và người Trung Quốc là có lợi vì nó giúp duy trì các phương án ngoại giao. Nhưng lúc này tôi nghĩ không thể hi vọng rằng một thỏa thuận quốc tế có thể giúp giải quyết tình hình (Syria)”, ông Ratner nói.
Tùng Lâm