Syria giải phóng Aleppo, Mỹ gây náo loạn tại Liên Hợp Quốc
Quân đội Syria |
Tại phiên họp này, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power đã công khai cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh ở Syria. Trong khi đó, Đại diện thường trực của Nga tại cơ quan này Vitali Churkin tuyên bố rằng Washington không có bất cứ “quyền đạo đức” nào để tố cáo Nga bất cứ điều gì.
Trong quá trình phát biểu tại phiên họp, bà Samantha Power tuyên bố rằng tình hình ở thành phố Aleppo sẽ đi vào danh sách “các sự kiện lịch sử” của thế giới, là “sự hiển thị của cái ác” và sẽ mãi là vết nhơ lương tâm của cộng đồng quốc tế. Sự kiện này có thể xếp ngang hàng với sự kiện tấn công khí đốt vào cộng đồng người Kurd ở Iraq năm 1988, thảm họa diệt chủng ở Ruanda năm 1994 hay vụ thảm sát ở Srebrenica năm 1993.
“Chế độ Assad, Nga và Iran, quân đội của các ông và các chế độ bù nhìn đang phạm các tội ác này. Bom chùm, đạn pháo và các cuộc không kích của các ông đã cho phép các phiến quân có vũ trang (Ám chỉ Quân đội chế độ Assad) bao vây hàng ngàn người dân thường và sau đó là găm đạn vào cổ họ. Các ông cần phải thấy xấu hổ vì điều này”- bà Samantha Power nhấn mạnh.
Trước bà Samantha Power, Đại diện thường trực của Anh và Pháp tại Liên Hợp Quốc là Matthew Rycroft và Francois Delattre cũng đã lên tiếng cáo buộc Nga, tương tự như các cáo buộc của bà Power.
Đáp lại các cáo buộc này, ông Vitali Churkin nhấn mạnh rằng ông ấy hoàn toàn không muốn nhắc cho “bộ ba phương Tây” nhớ lại về “vai trò” của họ trong việc làm nảy sinh các tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và Dzebhat an-Nusra sau khi can thiệp vào Iraq năm 2003, cũng như vai trò của bộ ba này trong cuộc khủng hoảng Syria.
“Tôi rất ngạc nhiên và lấy làm lạc trước các phát biểu của Đại diện Mỹ, người đã phát biểu như thể bà ấy là “Mẹ Theresa” không bằng! Hãy nhớ xem mình đang đại diện cho quốc gia nào! Và sau đó hãy lên án người khác từ quan điểm đạo đức hay từ sự vượt trội nào khác! Ai có lỗi trong vấn đề gì, tôi nghĩ, lịch sử và Chúa tối cao sẽ hiểu rõ điều này”- ông Vitali Churkin tuyên bố.
Bên cạnh đó, do phẫn nộ trước các phát biểu của Đại diện Mỹ Samantha Power, Đại diện thường trực Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Jaafari đã lên tiếng yêu cầu người cáo buộc “trước hết nên tự xem lại mình, sau đó hãy lên án người khác!”. “Chính phủ Syria không phạm các tội ác như người ta buộc tội, không phạm tội ác diệt chủng”- nhà ngoại giao này khẳng định.
Ông Bashar Jaafari đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ đã phạm các tội ác chiến tranh trong quá trình thực hiện chiến dịch quân sự tại Việt Nam, cũng như phải chịu trách nhiệm vì bao vây kinh tế-thương mại chống Cuba và ném bom Serbia. Ông Jaafari khẳng định rằng mục đích duy nhất của Quân đội Syria là bảo vệ đồng bào của mình, đồng thời đưa ra các bức ảnh ghi lại cảnh binh sỹ Syria giúp dân thường sơ tán khỏi Đông Aleppo để làm bằng chứng.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. |
“Những người đỏng đảnh đang khiến đàm phán về Syria bị kéo dài”
Ngay sau khi kết thúc phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Vitali Churkin tuyên bố rằng điều cần thiết hiện nay là khôi phục lại tiến trình đàm phán về Syria. Theo ông Vitali Churkin, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura trước đó đã nói về khả năng tái khởi động đàm phán sau khi Aleppo được giải phóng khỏi tay IS.
“Tôi hy vọng rằng ông ấy (Staffan de Mistura sẽ hành động theo tuyên bố của mình và sẽ lại triệu tập các cuộc đàm phán. Nhưng theo quan điểm của tôi, sẽ là rất tốt nếu các cuộc đàm phán thực sự đi kèm với chế độ ngừng bắn. Hai vấn đề này phải gắn chặt chẽ với nhau”- hãng thông tấn RiaNovossti trích dẫn lời ông Vitali Churkin.
Sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh rằng Moscow từ lâu đã sẵn sàng cho khả năng Liên Hợp Quốc sẽ nối lại tiến trình đàm phán hòa bình vì Syria.
“Hiện các cuộc đàm phán đang bị trì hoãn, kéo dài, ở đó có những người đỏng đảnh, hay thay đổi nhưng lại là những người thành lập nên cái gọi là Ủy ban Tối cao về đàm phán. Đó là một trong các nhóm đối lập Syria mà trong đó chủ yếu là những kẻ ngoại đạo có rất ít ảnh hưởng đến những gì đang diễn ra “trên mặt đất”. Tuy nhiên, vì lý do nào đó mà lực lượng này lại nhận được sự hỗ trợ to lớn của cái gọi là “Nhóm bạn bè” của Syria- nhóm gồm các quốc gia phương Tây và các quốc gia trong khu vực Trung Đông”- Ngoại trưởng Nga tuyên bố.
Theo ông Sergey Lavrov, ủy ban trên đang cố gắng đại diện cho lực lượng đối lập thống nhất nhưng trên thực tế ủy ban này lại không muốn đàm phán khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad chưa ra đi.
Trước đó, Trung tâm hòa giải các bên xung đột ở Syria của Nga đã tuyên bố rằng, quân đội Syria hiện đã kiểm soát 95% lãnh thổ thành phố Aleppo. Ngay sau đó, Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vitali Churkin đã thông báo rằng Quân đội Chính phủ Syria đã giải phóng hoàn toàn thành phố Aleppo. Như vậy, chiến dịch quân sự quy mô lớn của Quân đội Syria nhằm giải phóng Aleppo đã đạt được mục đích đặt ra.