Sùi bọt mép, hôn mê vì ăn so biển
Con sam (lớn) và con so ( nhỏ). |
Theo lời kể của anh Thọ, hôm đó anh Lê Thanh Quang, anh rể anh Thọ, chạy xe ôm về có mua 3 con so ở chợ về nướng và rủ anh Thọ cùng nhậu. Ăn xong khoảng 1 giờ sau, anh Thọ thấy trong người khó chịu, kêu vợ cạo gió nhưng không khỏi, càng lúc anh càng thấy cả người tê cứng, rồi hôn mê, sùi bọt mép. Thấy vậy, gia đình vội đưa anh Thọ đi cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa. Rất may là các bác sĩ đã kịp thời cứu chữa nên anh Thọ qua khỏi nguy kịch. Hiện nay, tình trạng sức khỏe của anh Thọ đã ổn định.
Theo tin từ Hội Nông dân xã Phước Hưng, bà con ngư dân miền biển hay ăn thịt và trứng sam biển. Sam biển là loài không có độc và thường được dùng làm thực phẩm. Tuy nhiên, có một “người anh em” với sam biển là so biển, rất giống với con sam nhưng lại chứa độc tố cao có thể gây chết người. Thực tế, đã từng có những người bị ngộ độc dẫn đến tử vong khi ăn so biển.
Theo tài liệu y học, cả hai con sam và so đều là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Riêng con so biển có chứa độc tố tetrodotoxin (giống độc tố ở cá nóc). Đây là độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh. Hiện nay, chưa có thuốc giải loại độc này. Nguy hiểm hơn là độc tố tetrodotoxin tan trong nước, nhưng không bị nhiệt phá hủy (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc tố vẫn tồn tại) nên dù đã chế biến chín thì người ăn vẫn bị ngộ độc.
So và sam nhìn bên ngoài rất giống nhau, khó phân biệt. Trên thế giới, họ sam biển có 4 loài, còn ở Việt Nam chỉ có 2 loài là sam biển và so biển. Sam biển thường có kích thước lớn hơn con so (17-34cm không kể đuôi). Đuôi sam biển có gờ, mặt lưng hình tam giác, có ba cạnh kéo dài đến tận cuối đuôi, ở đỉnh tam giác có các gai nhọn giống như lưỡi cưa. Sam biển sống thành từng cặp, con đực hay bám trên lưng con cái. Nó được khai thác, buôn bán và sử dụng làm thực phẩm. So biển có hình hài rất giống sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn sam biển và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của so biển khoảng 20 - 25cm, trọng lượng nhỏ hơn con sam. Toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn, không có gai.
để tránh những trường hợp ngộ độc đáng tiếc, tốt nhất người dân không nên ăn khi không phân biệt được sam và so một cách chắc chắn. Khi đã biết chắc chắn là con so biển thì tuyệt đối không được dùng làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, dù chỉ là một lần.
Triệu chứng khi bị ngộ độc so biển
Tê môi, miệng, tay, chân và quanh vùng môi miệng; trạng thái thần kinh li bì, lơ mơ; toàn thân biểu hiện mệt; khó thở, huyết áp hạ... Khi phát hiện cần chủ động nôn hết thức ăn và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Theo báo Bà Rịa - Vũng Tàu