Sức mạnh quân sự của Nga khiến Ba Lan "đứng ngồi không yên"
Chia sẻ với tờ Newsweek, Tướng Stanisław Koziej, người đứng đầu Cục An ninh quốc gia Ba Lan cho biết ông đặc biệt quan ngại về khả năng Nga sẽ lặp lại những chiến thuật dẫn tới cuộc chiến kéo dài suốt nhiều tháng qua tại miền đông Ukraine, đối với các nước láng giềng phía tây của Moscow vốn là thành viên trong liên minh quân sự NATO.
Theo vị tướng Ba Lan, "chiến tranh lai" không phải là một dạng tấn công quân sự trực tiếp nhằm vào Ba Lan và khiến NATO không thể sử dụng quyền phòng vệ tập thể. Thay vào đó, chính quyền Moscow đang xây dựng một chương trình tuyên truyền "làm xấu hình ảnh của Ba Lan" trong xã hội Nga như việc cáo buộc Warsaw ủng hộ chiến dịch biểu tình tại Quảng trường Maidan bằng cách hỗ trợ đào tạo cho các tay súng Ukraine.
Cuộc tập trận hồi tháng 11/2014 của NATO với sự tham gia của các binh sĩ Ba Lan. |
Theo tờ Business Insider, hồi tháng 10/2014, Ba Lan đã cho bắt giữ hai người bị tình nghi làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo quân sự Nga (GRU). Một nghi phạm được xác định từng là quan chức quân đội Ba Lan và người còn lại là một luật sư mang hai quốc tịch Nga – Ba Lan sinh sống ở Warsaw. Chính quyền Ba Lan cho rằng hai người này nằm trong một mạng lưới có tới vài chục thành viên, chuyên thu thập thông tin tình báo trên đất Ba Lan.
Thậm chí, quan ngại trước sức mạnh của quân đội Nga, Ba Lan đã trở thành một trong những thành viên tiên phong trong khối NATO có bước đi mạnh mẽ củng cố năng lực quốc phòng. Điển hình, Ba Lan đã quyết định tăng khoản chi tiêu ngân sách quân sự. Nước này còn cam kết tới năm 2016, khoản ngân sách quốc phòng của Warsaw sẽ đạt 2% GDP quốc gia như mục tiêu mà NATO đề ra.
Vị trí địa lý cũng là một phần trong mối lo ngại về khả năng bị Nga tấn công của Ba Lan. Tại khu vực phía đông, biên giới của Ba Lan giáp với Ukraine và đồng minh của Nga là Bellarus. Trong khi đó, ở khu vực phía đông bắc, Ba Lan lại giáp với vùng Kaliningrad của Nga.
Một cuộc tập trận ở vùng Kaliningrad của Nga. |
Đặc biệt, hồi năm ngoái, Nga đã tuyên bố Kaliningrad sẽ trở thành tâm điểm trong Học thuyết quân sự mới của nước này. Từ năm 2012, Moscow đã cho triển khai các tên lửa đạn đạo tầm ngắn tới Kaliningrad. Tới tháng Ba năm nay, Nga còn đưa Iskander, loại tên lửa có khả năng mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân tới khu vực này. Ngoài ra, Kaliningrad hiện là căn cứ của Hạm đội Baltic của Nga cùng hai căn cứ không quân Chernyakhovsk và Donskoye.
Hai căn cứ không quân này giúp Nga triển khai hàng loạt các cuộc tuần tra trên không phận NATO kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ. Theo đó, hàng loạt máy bay do thám, chiến đấu cơ, máy bay ném bom của Nga cất cánh từ bên trong và ngoài vùng Kaliningrad đã bị các máy bay quân sự của NATO hoạt động trên vùng biển Baltic đánh chặn trong thời gian qua.
Vị trí chiến lược của Kaliningrad
Lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga mang ý nghĩa quan trọng về cả mặt địa lý lẫn chính trị đối với Moscow. Nằm tách khỏi lãnh thổ Nga và tọa lạc trên bờ biển Baltic, Kaliningrad bị các thành viên của NATO như Ba Lan và Lithuania bao vây. Thậm chí, Kaliningrad còn nằm gần Berlin và Prague hơn cả thủ đô Moscow và St Petersburg.
Cho đến năm 1945, Kaliningrad được biết đến với tên gọi Königsberg, cố đô của nước Phổ trước đây. Sau Thế chiến thứ Hai, Liên Xô đã sát nhập thành phố này và những khu vực xung quanh. Từ đó, Kaliningrad trở thành một cảng nước ấm chủ chốt mang tính chiến lược trên biển Baltic.
Không chỉ thường xuyên tổ chức tập trận ở vùng Kaliningrad, Nga còn có ý định đưa các loại vũ khí hạt nhân tới đây. |
Vào thời điểm đó, chính phủ Liên Xô còn áp dụng chính sách Nga hóa, khi nhanh chóng thay thế vùng lãnh thổ với đa số là người Đức sinh sống bằng người Nga.
Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Kaliningrad bị biến thành "điểm nóng" giữa bán đảo Scandinavia và Trung Âu. Bởi vào thời điểm này, Kaliningrad là một trong những vùng được Liên Xô quân sự hóa mạnh nhất.
Cho tới nay, Kaliningrad vẫn đóng vai trò giá trị chiến lược và quân sự quan trọng đối với Moscow. Khi Nga thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận và còn đe dọa đưa các loại vũ khí hạt nhân tới Kaliningrad, vùng đất sát cạnh nhiều nước là thành viên của NATO.
Ngoài tăng cường hoạt động quân sự, Nga đã biến Kaliningrad thành một khu tự do thương mại khi cho phép công dân ở đây có thể tự do đi lại đến các nước láng giềng Lithuania và Ba Lan. Do đó, đến năm 2007, nền kinh tế Kaliningrad đã được khôi phục hoàn toàn.
Trong bối cảnh hiện nay, chính cuộc đối đầu giữa Nga với các quốc gia châu Âu vốn là đồng minh của NATO đã làm cho giá trị chiến lược của của Kaliningrad ngày càng gia tăng đối với Moscow.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…