Sự thật về sự ‘giàu có’ của Trung Quốc
Hẳn nhiều người còn nhớ, trong một cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng tuyên bố rằng: "Với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Trung Quốc, tôi tin rằng trong những năm tới, chúng ta có thể tăng gấp đôi xuất khẩu và tạo ra nhiều công ăn việc làm tại Hoa Kỳ".
Tuy nhiên, khi nhìn sâu vào nền kinh tế Trung Quốc người ta nhận thấy rằng cái gọi là một tầng lớp trung lưu với thu nhập và tiêu dùng gia tăng nhanh chóng đang dần dần biến mất. Thay vào đó, nền kinh tế nước này vẫn đang bị chi phối bởi các công ty nhà nước và các khoản đầu tư nhà nước cũng như sự bất bình đẳng gia tăng nhanh chóng. Thay vì cho ra đời một tầng lớp trung lưu đô thị to lớn, Trung Quốc lại chỉ sản sinh một tầng lớp thượng lưu nhỏ bé nhưng “xài sang một cách đáng ngạc nhiên” và phần dân số còn lại có thu nhập và tiết kiệm ngày càng bị xói mòn bởi lạm phát.
Các thống kê mới được công bố gần đây của chính phủ Trung Quốc đã phần nào thể hiện điều này. Đầu tiên, thu nhập của người dân đô thị chỉ tăng với tốc độ khoảng 7,8%/năm mặc dù tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt gần 10%/năm. Trong khi đó, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tăng 14,5%. Mô hình tăng trưởng này cho thấy sự bất bình đẳng đang gia tăng.
Nhìn kỹ hơn nữa vào “danh sách shopping” giới chuyên gia đã thấy những vấn đề đáng lo ngại thực sự. Tốc độ tăng trưởng lớn nhất bao gồm các mặt hàng như: Đồ trang sức (46%), đồ nội thất (37%), xe ô tô (34%) và vật liệu xây dựng (34%). Về cơ bản, đây là những mặt hàng liên quan đến việc chi tiêu của tầng lớp thượng lưu. Sự tăng trưởng một cách quá mạnh các mặt hàng xa xỉ có nghĩa là thu nhập xám (khoản thu nhập mập mờ giữa hợp pháp và bất hợp pháp) chiếm một tỷ trọng đáng kể.
Trong báo cáo của một nhóm các chuyên gia tài chính Thụy Sỹ , dựa trên một cuộc khảo sát các hộ gia đình đô thị Trung Quốc trong năm 2009, người ta tìm thấy gần 1,5 nghìn tỷ USD trong thu nhập xám không được báo cáo trong các con số thu nhập hộ gia đình chính thức. Hơn 60% thu nhập xám này nằm trong 10% số hộ gia đình. Con số mới nhất cũng cho thấy rằng trong khi thu nhập của hộ gia đình bình thường có khả năng tăng trưởng khoảng 8%/năm, thì 10% số hộ gia đình “xài sang” này có thể tăng trưởng hơn 25%.
Hàng đoàn người xếp hàng chờ bước chân vào những cửa hiệu bán đồ xa xỉ phản ánh sự bất bình đẳng về thu nhập đang gia tăng mạnh ở Trung Quốc. |
Tầng lớp trung lưu đang phát triển cũng không có mặt trong số các sinh viên tốt nghiệp đại học gần đây. Theo Bộ Giáo dục, chỉ có 68% sinh viên tốt nghiệp đại học trong năm 2010 đã có thể tìm được việc làm thường xuyên. Ngay cả trong số những người tìm được việc làm, tiền lương thường không cao hơn hoặc đôi khi còn thấp hơn hơn so với các lao động nhập cư (lao động không có trình độ, tay nghề từ nông thôn ra thành thị) tại các nhà máy. Bất chấp những việc đó, Trung Quốc đã có được những năm có tốc độ tăng trưởng 10% một cách ngoạn mục. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ấn tượng này không đi kèm với việc tỷ lệ tuyển dụng cao, lương bổng tốt cho sinh viên tốt nghiệp đại học. Ở các thành phố lớn, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học sống trong những ngôi nhà chật chội “như một tổ kiến” vì họ không đủ tiền thuê nhà rộng rãi hơn.
Chưa hết, các dữ liệu mới nhất cho thấy, hiện đang có tới hơn 27,8 nghìn tỷ nhân dân tệ “nằm chết dí” trong các vụ đầu tư tài sản cố định, 15 nghìn tỷ nhân dân tệ khác được các doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào bất động sản. Ngay cả trong số các công ty cổ phần người ta vẫn tin rằng thực sự là do nhà nước kiểm soát. Như vậy, ít nhất là về đầu tư, nhà nước vẫn kiểm soát phần lớn.
Tại sao Trung Quốc có một nền kinh tế rất không công bằng? Câu trả lời khá đơn giản là các hộ gia đình Trung Quốc có ít sự lựa chọn ngoài việc gửi tiền vào các ngân hàng nhà nước. Và khi lạm phát tăng cao, họ chỉ có thể thu về một lãi suất thực âm từ các ngân hàng bởi chính phủ ấn định lãi suất huy động ở mức thấp hơn lạm phát. Trong khi đó, các nhà kinh doanh bất động sản vẫn có thể tận dụng “mối quan hệ hữu hảo” với các lãnh đạo, quan chức ngân hàng và có thể vay tiền với mức lãi suất mà là gần bằng không trong điều kiện thực tế. Ở cấp địa phương, người nông dân cũng ngày một nghèo đi bởi chính quyền địa phương vẫn đang tịch thu đất đai và bất động sản dưới danh nghĩa “phục vụ công cuộc công nghiệp hóa” và bồi thường cho họ một khoản tiền khá thấp, đôi khi là gần như không đáng kể.
Khi mà phần lớn dân số Trung Quốc không nhìn thấy lợi ích của tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, họ sẽ đứng dậy đấu tranh và nguy cơ bất ổn xã hội đang đến rất gần |
Hệ quả là các hộ gia đình bình thường thực sự càng nghèo hơn một cách tương đối và thậm chí trong điều kiện tuyệt đối. Trong khi đó, mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ, bản chất của sự phát triển đã thay đổi theo thời gian. Như lý giải của chuyên gia Yasheng Huang tại Trường Kinh doanh Sloan MIT (Mỹ), thời gian tăng trưởng “lành mạnh” của Trung Quốc và vào những năm 1980, khi nông dân sản xuất và bán hàng công nghiệp nhẹ cũng như nông sản sang các thị trường hàng hóa đang nổi lên nhanh chóng. Vào cuối những năm 1990 đến nay, tăng trưởng ngày càng dựa vào xuất khẩu ròng và đầu tư nhà nước nhưng giảm dần về tiêu thụ hộ gia đình. Mặc dù mô hình tăng trưởng này có thể tiếp tục cho kết quả cao trong vài năm nữa nhưng khi mà phần lớn dân số Trung Quốc không nhìn thấy lợi ích của nó, họ sẽ đứng dậy đấu tranh và nguy cơ bất ổn hay thậm chí là đổ vỡ xã hội đang đến rất gần.