Sự thật về cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á

Một số quốc gia châu Á đang là những quốc gia có tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng cao nhất thế giới với quốc gia tiêu biểu là Trung Quốc. Trong khi đó các nước Đông Á và Đông Nam Á trong những năm gần đây cũng tăng cường chi cho quốc phòng. Phải chăng các nước châu Á đang mở ra một cuộc chạy đua vũ trang mới?

Trong buổi khai trương tàu sân bay Liêu Ninh, con tàu sân bay đầu tiên của quân đội Trung Quốc, trên tàu chủ yếu là các thủy thủ đứng dàn hàng và sương khói đã che mờ Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các quan chức cấp cao khác.

Sự thật về cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á - ảnh 1
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một lần chạy thử.

Con tàu sân bay này được Trung Quốc mua từ Ukraina và một thời được sử dụng làm sòng bạc nổi ở Macao. So với con tàu sân bay 97.000 tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân George Washington, hạt nhân của hạm đội Hải quân Mỹ ở châu Á, thì tàu Liêu Ninh chỉ là một con tàu rất khiêm tốn.

Tuy nhiên, theo trang The Australia, buổi khai trương chính thức con tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc này có thể được coi là thời điểm mà toàn thế giới bừng tỉnh trước qui mô chạy đua vũ trang ở châu Á.

Sở hữu một con tàu sân bay – dù là một con tàu mà các nhà phân tích phương Tây mô tả là một bảo tàng nổi – là biểu tượng cho khát khao của một quốc gia muốn được phô trương sức mạnh trên đại dương bao la. Và Trung Quốc đã không lãng phí thời gian, đưa ngay con tàu Liêu Ninh vào hoạt động – một hành động có ý nghĩa biểu trưng cho quyền lực - ngay trước thềm Đại hội Đảng 18, thời điểm chuyển giao lãnh đạo ở nước này.

Trong khi đó, các nước láng giềng – thực ra là các nước trong toàn khu vực – không phải chờ đến lúc con tàu Liêu Ninh được đưa vào hoạt động mới “thức tỉnh”; trong vài năm gần đây, các nước này đã từng bước nâng cao năng lực quốc phòng để đối phó với sự vươn lên của Trung Quốc.

Theo một nghiên cứu gần đây của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington (CSIS), “một số quốc gia châu Á đã trở thành những nước chi tiêu cho quốc phòng nhiều nhất trên thế giới”.

“Ngoài ra, không giống như ngân sách quốc phòng của các nước ở những khu vực khác, chi tiêu quốc phòng của châu Á tiếp tục tăng lên, trái ngược hẳn với châu Âu và Mỹ với ngân sách quốc phòng giảm sút trong những năm vừa qua”, CSIS cho biết.

Theo số liệu mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, giá trị các mặt hàng quốc phòng được châu Á mua đã tăng 25% trong 4 năm kể từ năm 2008-2011. Cùng với châu Đại dương, chi tiêu cho vũ khí của cả khu vực chiếm 44% tổng chi tiêu quân sự của toàn thế giới. Tất nhiên, những số liệu này không phản ánh hết chi tiêu quân sự của Trung Quốc do phần lớn các tàu ngầm hạt nhân, tàu chiến và tên lửa của nước này được chế tạo trong nước.  

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của CSIS, ngay cả các số liệu chính thức về chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc cũng đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm vừa qua. Báo cáo của CSIS cho thấy đến cuối năm ngoái, mỗi năm Trung Quốc chi 90 tỷ USD cho quốc phòng, chiếm 40% tổng chi tiêu quốc phòng của 5 quốc gia chi nhiều tiền cho quốc phòng nhất châu Á (gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan). Trong khi đó, theo Viện Stockholm tổng mức chi tiêu quốc phòng thực sự của Trung Quốc có thể lên tới 140 tỷ USD mỗi năm.  

Theo CSIS, chi tiêu quốc phòng của châu Á “đã tăng đáng kể vào khoảng thời gian 2005”, vậy đây liệu có phải là sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang mới?

Sự thật về cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á - ảnh 2
Phải chăng châu Á đang bước vào một cuộc chạy đua vũ trang?

Các chuyên gia phân tích không cho là như vậy. Nhưng một điều hoàn toàn chắc chắn là với sự lớn mạnh về mặt kinh tế và quân sự, Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của dư luận toàn thế giới.

Trung Quốc đang tranh chấp với Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Indonesia về chủ quyền trên Biển Đông, vùng biển được cho là giàu tài nguyên dầu khí và là tuyến đường hàng hải quan trọng của thương mại thế giới.

Hoa Kỳ, quốc gia ủng hộ Trung Quốc và các nước tham gia tranh chấp tiến tới một Bộ qui tắc ứng xử trên biển, đã công khai tuyên bố tái phân bổ các lực lượng của mình để lấy châu Á là “trọng tâm” với kế hoạch điều 60% số tàu hải quân của mình tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Rory Medcalf, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Viện Lowy, cho rằng tình trạng châu Á tăng cường mua sắm vũ khí chưa đến mức được gọi là một cuộc đua vũ trang nhưng cho rằng xu hướng này nên được theo dõi sát sao. Theo ông, mặc dù chi tiêu cho quốc phòng ở châu Á đã tăng đáng kể nhưng vẫn chưa chiếm tỉ lệ cao trong  tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ví dụ như Trung Quốc, chi tiêu quốc phòng chỉ chiếm khoảng 2% GDP. Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của Mỹ tiếp tục giữ mức gần 5% tổng sản phẩm quốc nội.

Các quốc gia châu Á khác, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, đều tăng đáng kể ngân sách cho quốc phòng nhưng vẫn ở mức thấp so với GDP. Theo chuyên gia Medcalf, mặc dù các nước Đông Nam Á lớn thì mong muốn có năng lực quốc phòng tương xứng với nhau, nhưng nhìn chung việc tăng ngân sách cho quốc phòng chủ yếu là để đối phó với sự vươn lên của Trung Quốc. Còn các quốc gia nhỏ hơn thì biết rằng họ không thể là đối thủ của cỗ máy quân sự Trung Quốc nhưng vẫn đầu tư cho tàu ngầm và máy bay để tránh bị đẩy vào một cuộc tranh chấp chủ quyền.

Trung Quốc đang đầu tư cho tên lửa – các tên lửa chống tàu DF-21 có biệt danh “sát thủ tàu sân bay” và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa – cùng với tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục và máy bay. Theo một số nhà phân tích, nước này đang tìm cách xây dựng một “chuỗi ngọc trai” ở các nước đang phát triển bao gồm các cảng tại Ấn Độ Dương, giúp nước này đưa tàu chiến của mình đến nhổ neo và bổ sung đồ tiếp tế. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang theo đuổi công nghệ  máy bay tàng hình. Nhưng các chuyên gia cho rằng công nghệ máy bay tàng hình của nước này tụt hậu nhiều năm so với Mỹ xét về mặt năng lực và công nghệ.

Tuy vậy, với sức ép về tài khóa, chi tiêu quốc phòng của Mỹ có khả năng sẽ không chiếm tỉ lệ cao trong GDP như hiện nay nữa, đặc biệt là khi nước Mỹ đang bên bờ vực một cuộc khủng hoảng tài khóa vào cuối năm nay. Để thực hiện chiến lược lấy châu Á làm “trọng tâm” của mình, Mỹ sẽ chỉ có thể điều tàu và máy bay từ các khu vực khác đến khu vực này.

Mỹ đang điều máy bay chiến đấu F22 Raptor, cùng chiến đấu cơ lên thẳng Osprey,  đến các căn cứ của mình ở hòn đảo Okinawa ở phía nam Nhật Bản và trong tương lai sẽ điều một tàu sân bay khác đến châu Á Thái Bình Dương để hoàn thiện lực lượng Bờ biển phía Tây với nhóm 4 tàu sân bay và nhóm tàu USS George Washington đóng tại căn cứ Yokosuka ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, Mỹ cũng đang tiến hành chế tạo một số loại tàu mới. Theo nhà báo Kirk Spitzer, người chuyên viết về các vấn đề quốc phòng cho tạp chí Time, 4 chiếc tàu chiến ven biển mới phù hợp với các cuộc xung đột ở những vùng nước nông sẽ được điều đến Singapore.

Nhưng theo nhà báo Spitzer, chính tàu ngầm mới là “quân cờ chính” trên “bàn cờ” Biển Đông. “Tàu ngầm vẫn là mối quan tâm lớn nhất ở Biển Đông. Khi các con tàu bị (tàu ngầm) đánh chìm thì về cơ bản toàn bộ hoạt động thương mại trên tuyến đường hàng hải này sẽ dừng lại. Đối với Mỹ, tàu ngầm là mối quan tâm lớn vì nếu điều tàu sân bay đến Biển Đông thì tàu ngầm có thể gây ra thiệt hại đáng kể”, ông Spitzer nhận xét.

Theo một bài báo mới nhất của hãng tin AP, Hoa Kỳ hiện sở hữu 60 tàu ngầm, bao gồm các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, và hiện số tàu ngầm của Mỹ được điều động đến châu Á cao hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

“Ngay lúc này đang có một cuộc chạy đua về tàu ngầm. Mọi quốc gia châu Á có bờ biển đều đang đầu tư vào tàu ngầm”, một chuyên gia quốc phòng Mỹ nhận xét, “Nguyên nhân chính của tình trạng này chính là Trung Quốc bởi lẽ ai cũng bị ám ảnh bởi đất nước này. Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc các nước cũng lo lắng về người láng giềng của mình nữa”. “Vấn đề chính là khả năng tiếp cận. Ở những vùng biển quốc tế, Hoa Kỳ có thể kiểm soát, nhưng những vùng biển ven bờ thì gần như ở tình trạng “vô tổ chức”, chuyên gia này nhận định.

Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ và Singapore đều mua hoặc chế tạo tàu ngầm, hoặc có kế hoạch sở hữu tàu ngầm.

Sự thật về cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á - ảnh 3
Tàu ngầm là “quân cờ chính” trên “bàn cờ” Biển Đông.

Nhật Bản, cường quốc khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đang bị hạn chế về chi tiêu quân sự do hiến pháp nhưng nước này đang thúc đẩy hệ thống lá chắn tên lửa với Hoa Kỳ. Hệ thống này được hai nước tuyên bố là để chống lại mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên nhưng trên thực tế cũng là để đối phó với Trung Quốc.

Vừa qua, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tuyên bố thiết lập trạm ra đa X-band thứ 2 ở miền nam Nhật Bản để phối hợp với một trạm ra đa khác được lắp đặt tại đảo Hokkaido. Hệ thống ra đa này sẽ giúp cải thiện năng lực phòng thủ tên lửa. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang nâng cấp đội bay của mình với hợp đồng mua 42 chiếc máy bay chiến đấu F-35 của hãng Lokheed Martin (Mỹ).

Chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc không tăng nhanh bằng các quốc gia châu Á nói trên nhưng vừa qua nước này đã đạt được một thỏa thuận với Mỹ mở rộng tầm bắn của tên lửa đạn đạo, vươn tới bất kỳ điểm nào thuộc lãnh thổ Triều Tiên. Thỏa thuận này vừa về vấn đề nâng cấp tầm bắn tên lửa vừa nâng cấp đội bay KF-16 của nước này.

Tuy nhiên, cũng giống như chuyên gia Medcalf, nhà báo Spitzer cho rằng tình trạng mua sắm vũ khí như hiện nay chưa đến mức được gọi là một cuộc chạy đua vũ trang. Theo nhà báo Spitzer, một điều quan trọng là phải xem xét chất lượng của các binh sĩ nữa. Trong khi mỗi năm, Trung Quốc chi khoảng 40.000 USD cho mỗi binh sĩ thì Nhật Bản chi khoảng 240.000 USD còn Mỹ thì chi gần tới 500.000 USD.

Một quốc gia châu Á khác cũng là một “ngôi sao” của thị trường vũ khí là Ấn Độ. Theo báo cáo của viện Stockholm, Ấn Độ “rất có khả năng sẽ tiếp tục là quốc gia tiếp nhận các loại vũ khí truyền thống nhiều nhất trong những năm tiếp theo”. “Họ đang mua tàu ngầm, tàu trên mặt nước và máy bay”, nhà báo Spitzer nói. Ông cho rằng động cơ thúc đẩy Ấn Độ mua sắm vũ khí này là Pakistan nhưng cũng gồm cả Trung Quốc, đối thủ của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh biên giới đầu những năm 1960.

Biển Đông là tuyến đường hàng hải vô cùng quan trọng với tổng lượng hàng hóa trung chuyển qua vùng biển này đạt giá trị 1.200 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài tầm quan trọng nói trên, vùng biển này còn là nơi có trữ lượng dầu khí lớn, giàu tài nguyên hải sản và với nguy cơ xung đột cao do tranh chấp chủ quyền, không có gì là ngạc nhiên khi các quốc gia quanh vùng biển này mua sắm thêm vũ khí để bảo vệ lợi ích của mình. 

LÊ DUNG

Khoảnh khắc lính dù Nga bắn hạ UAV 'khủng' của Ukraine

Một lính dù Nga đã tìm được cách dùng súng ngắn bắn hạ thành công một máy bay không người lái (UAV) mang chất nổ của Ukraine.

Video Nga công phá 2 hệ thống tên lửa Mỹ ở tây nam Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố đoạn video quay cảnh quân đội nước này tấn công, phá hủy 2 hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ chế tạo ở vùng Odessa, tây nam Ukraine.

Dàn tên lửa hiện đại của Nga trở thành ‘khắc tinh’ của F-16 ở Ukraine

Dàn tiêm kích F-16 mà các nước NATO hứa chuyển cho Ukraine sẽ bị các tên lửa hiện đại của Nga săn lùng, và tiêu diệt giống như cuộc tấn công đã phá hủy 5 chiếc Su-27 gần đây.

Nga hé lộ phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không tầm ngắn Komar

Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Komar của Nga cung cấp khả năng phòng thủ tầm ngắn cho tàu chiến nhỏ và tàu hỗ trợ có lượng giãn nước lên tới 50 tấn.

Nga lần đầu ra mắt xuồng không người lái tại triển lãm quốc phòng

Nga vừa ra mắt xuồng không người lái “Vizir”, “Orkan”, “BEK-1000” tại Triển lãm Quốc phòng Hàng hải quốc tế FLEET-2024.

Video UAV Nga phóng lưới 'tóm gọn' UAV của Ukraine

Quân đội Nga đã triển khai loại máy bay không người lái (UAV) mang tên Setkomet có khả năng phóng lưới để "bắt" các UAV của Ukraine.

FPV Nga truy đuổi, hạ gục xe tăng Mỹ viện trợ cho Ukraine trong đêm

Một binh sĩ điều khiển máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) của Nga kể lại vụ truy đuổi, tấn công phá hủy xe tăng Abrams do Mỹ viện trợ cho Ukraine vào ban đêm.

Nữ hành khách người Việt khỏa thân ở sân bay Philippines vì bị phạt quá hạn visa

Một nữ hành khách người Việt đã bất ngờ khỏa thân tại sân bay Ninoy Aquino (Philippines) sau khi được yêu cầu trả thêm phí quá hạn visa.

Video lữ đoàn biệt kích Ukraine vô hiệu hóa xe tăng ‘mai rùa’ Nga bằng UAV

Chỉ với những chiếc UAV cảm tử, Lữ đoàn biệt kích biệt lập số 71 Ukraine đã khiến xe tăng ‘mai rùa’ của Nga hư hại nặng.

Video Ukraine phóng tên lửa nước ngoài, phá hủy S-400 của Nga ở Donetsk

Quân đội Ukraine đã phóng tên lửa đạn đạo ATACMS, phá hủy hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga ở khu vực Donetsk.

Đang cập nhật dữ liệu !