Sự thật về cách trị mất ngủ chỉ sau 1 tuần
Các tình nguyện viên đã giảm hẳn các triệu chứng mất ngủ sau 1 tuần "kiêng" điện thoại - ảnh minh họa từ internet |
Động tác mà các tác giả đã yêu cầu các tình nguyện viên thực hiện mỗi tối rất đơn giản nhưng có vẻ khó làm với nhiều người trong thời buổi công nghệ: bỏ điện thoại thông minh xuống.
Theo nghiên cứu, ánh sáng xanh – thứ ánh sáng chủ yếu phát ra từ các loại màn hình mà gần gũi nhất thời nay là điện thoại thông minh – là nguyên nhân lớn gây mất ngủ. Thanh thiếu niên được chọn làm đối tượng nghiên cứu chính bởi lẽ theo các khảo sát, đó là đối tượng "ghiền điện thoại" nhất.
Những người có thời gian đối diện màn hình trên 4 giờ mỗi ngày có thời gian đi ngủ muộn hơn người dùng 1 giờ trở xuống đến 30 phút. Một số người cố ngủ nướng buổi sáng nhưng giấc ngủ kém chất lượng. Người ghiền điện thoại cũng xuất hiện vô số triệu chứng của chứng mất ngủ.
Họ đã tuyển 25 tình nguyện viên bị mất ngủ nặng và buộc họ thực hiện chế độ hạn chế màn hình vào buổi tối, cũng như sử dụng kính để giảm thiểu tác hại của ánh sáng xanh trong những tình huống bắt buộc tiếp xúc. Kết quả, chỉ sau 1 tuần kiêng màn hình, các thanh thiếu niên này đã giảm rõ rệt các triệu chứng mất ngủ. Ở một số người, có thể nói chứng mất ngủ đã "đảo ngược" sau khi tham gia thí nghiệm.
Tiến sĩ Dirk Jan Stenvers từ khoa Nội tiết và Chuyển hóa của Amsterdam UMC phân tích thêm: "Rối loạn giấc ngủ bắt đầu với các triệu chứng nhỏ của sự mệt mỏi và kém tập trung, nhưng lâu dài việc mất ngủ sẽ liên quan đến tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và bệnh tim".
Hiện nhóm khoa học gia đang tiếp tục mở rộng nghiên cứu xem việc giảm thời gian màn hình đem lại tác động lâu dài đến giấc ngủ như thế nào, cũng như tác động tương tự có xảy ra ở người lớn hay không.
Nghiên cứu dựa trên một số dữ liệu trước đó cho thấy ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính thông thường… có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của não bộ, phá hoại quá trình sản xuất hormone melatonin vốn rất cần để người ta cảm thấy buồn ngủ và ngủ ngon.
Nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nội tiết Châu Âu - ECE 2019, vừa diễn ra tại Lyon (Pháp).