Sự phát triển ngành logistics gắn liền với những thành tựu kinh tế
Tăng trưởng nhanh và ổn định
Phát biểu tại Diễn đàn “Logistics với khu vực châu Âu – châu Mỹ 2022” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 20/12 ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những bước tiến của ngành logistics Việt Nam, một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất với mức tăng trưởng trung bình 14 - 16%/năm, đóng góp vào GDP từ 4 - 5%. Theo Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do Agility vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng Top 50 quốc gia đứng đầu thị trường logistics mới nổi, đứng thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á.
Đối với khu vực châu Âu – châu Mỹ, nơi có những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu…, năm 2021, kim ngạch thương mại với Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng gần 21%, đạt gần 212 tỷ USD. Trong năm 2022, tính đến hết tháng 11, kim ngạch thương mại tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tốt, ở mức 11,8%, đạt 212 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 171 tỷ USD tăng gần 16%, xuất siêu sang khu vực châu Âu – châu Mỹ đạt hơn 128 tỷ USD. Các giải pháp logistics đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì tính bền vững, nâng cao tính chống chịu của chuỗi cung ứng, cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở ra cánh cửa cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Sự phát triển của ngành logistics gắn liền với những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với những cam kết sâu rộng và toàn diện, mang tới nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp logistics nói riêng. Sự phát triển trong quan hệ hợp tác thương mại với khu vực châu Âu - châu Mỹ là một nét nổi bật trong bức tranh hội nhập kinh tế của Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích.
Tiềm ẩn nhiều thách thức
Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2023 sẽ tiềm ẩn không ít khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và logistics Việt Nam. Hệ lụy do ảnh hưởng của áp lực lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn sẽ dẫn đến việc suy giảm đơn hàng xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU...
Trong khi đó, chi phí logistics của Việt Nam vẫn luôn ở mức rất cao vì nhiều nguyên nhân như: Cơ sở hạ tầng hạn chế, thiếu đồng bộ, đặc biệt là kho bãi, trung tâm logistics; Quy trình thủ tục hải quan còn chồng chéo; Doanh nghiệp logistics còn thiếu thông tin, thiếu liên kết, ứng dụng công nghệ lạc hậu...
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các diễn giả đã đưa ra một số khuyến nghị về các vấn đề thực tiễn liên quan đến quy định, thủ tục thương mại, các vấn đề về thông quan mà doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ hay EU thường gặp…
Những giải pháp để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu và logistics Việt Nam cũng được chia sẻ. Trong đó lưu ý doanh nghiệp cần nắm vững quy định, thủ tục hải quan để chủ động trong việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, triển khai giải pháp tối ưu hóa chi phí logistics để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, cũng như tận dụng mạng lưới kết nối đồng bộ của các công ty vận tải lớn nước ngoài để mở ra các kênh vận tải mới, hiệu quả cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam sang khu vực châu Âu – châu Mỹ.
Thảo luận về triển vọng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics bền vững phục vụ xuất khẩu sang khu vực châu Âu – châu Mỹ, có ý kiến cho rằng cần chú trọng hơn nữa đến hoạt động kết nối hạ tầng dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Những thông tin hữu ích tại diễn đàn sẽ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng Việt xuất khẩu sang thị trường Âu – Mỹ.
Bình Minh