Sự hèn hạ của Charlie Hebdo
Theo News Week, chỉ sau một tuần diễn ra lễ tưởng niệm một năm bị khủng bố tấn công khiến 12 người thiệt mạng, tạp chí châm biếm Charlie Hebdo lại tiếp tục gây bão khi tung ra ấn phẩm mới bôi nhọ hình ảnh em bé Syria xấu số Aylan Kurdi, người đã bỏ mạng trên đường tị nạn tới châu Âu. Cái chết của Aylan Kurdi đã trở thành biểu tượng cho thảm họa nhân đạo trong cuộc khủng hoảng di cư tới châu Âu vào cuối năm 2015.
Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo tiếp tục gây bão khi vẽ biếm họa em bé Syria thiệt mạng trên đường di cư tới châu Âu. |
Tác giả của bức biếm họa là họa sĩ Laurent Sourisseu với bút danh "Riss”, người hiện đang giữ chức chỉ đạo xuất bản của tạp chí Charlie Hebdo. Bức họa mô phỏng hình ảnh nếu cậu bé Aylan Kurdi nếu may mắn sống sót và tới được châu Âu thì khi trưởng thành cũng sẽ chỉ là một kẻ biến thái chuyên đi sàm sỡ phụ nữ.
Theo chia sẻ của nhà báo Pháp Faïza Zerouala hôm 14/1, bức họa của tạp chí Charlie Hebdo đã miêu tả lại hình ảnh thi thể cậu bé Aylan Kurdi nằm úp mặt trên một bãi biển của Thổ Nhĩ Kỳ với dòng tựa đề “Khi lớn lên cậu bé Aylan sẽ trở thành người như thế nào? Chỉ là một kẻ biến thái ở Đức”.
Bức biếm họa còn vẽ thêm hình ảnh hai người phụ nữ bị hai người đàn ông rượt đuổi phía sau với cánh tay giơ lên đằng trước như sắp sửa sàm sờ họ. Tuy nhiên, khuôn mặt của hai người đàn ông được vẽ khá giống với loài vật hơn là con người.
Ngay sau khi bức ảnh biếm họa nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội Twitter, nhiều người đã gọi bức hình là “sự hèn hạ” và khiến họ “phát điên”.
Hình ảnh trên tạp chí Charlie Hebdo được ăn theo sự kiện "Đêm giao thừa nhục nhã" tại thành phố Cologne của Đức khi hàng trăm phụ nữ tố cáo đã bị các thanh niên nhập cư mang dáng dấp của người Ả Rập và Bắc Phi quấy rối tình dục, hiếp dâm và cướp của.
Cảnh sát Đức xác nhận họ đã nhận được báo cáo hơn 500 vụ tấn công và 40% số này liên quan tới hành vi tấn công tình dục. Bộ Nội vụ Đức cho hay một số nam giới đã uống rượu và sử dụng ma túy trước khi có những hành động phạm tội.
Số vụ phạm tội gia tăng trong đêm Giao thừa đã đặt ra câu hỏi cho chính sách khoan nhượng của Thủ tướng Angela Merkel đối với người tị nạn sau khi hơn 1 triệu người di cư tới Đức trong năm 2015. Vụ việc trên cũng đã khiến cảnh sát trưởng thành phố Cologne là ông Wolfgang Albers buộc phải từ chức trong khi chính quyền của bà Merkel khẳng định sẽ cho trục xuất những đối tượng liên quan tới các vụ tấn công phụ nữ.
Thậm chí, hồi đầu tuần này, 11 người nước ngoài bao gồm những người di cư từ Pakistan, Syria và Guinea đã trở thành đối tượng bị tấn công ở Đức nhằm trả thù cho “Đêm giao thừa nhục nhã”.
Trước đó, trong ấn phẩm kỷ niệm một năm trụ sở Charlie Hebdo bị khủng bố tấn công, cướp đi sinh mạng của 8 họa sĩ tại tòa soạn, tạp chí đã cho vẽ trang bìa in màu đen trắng mô tả hình ảnh một nhà tu hành gập người chạy trốn khi trên lưng đeo một khẩu súng. Trong khi đó, những vết máu vẫn còn vương trên cánh tay và chân của nhân vật. Đoạn chú thích của bức tranh viết: “Sau một năm, kẻ ám sát vẫn chưa bị bắt”.
Bức hình biếm họa em bé Syria của Charlie Hebdohồi tháng 9/2015. |
Đây không phải là lần đầu tiên Charlie Hebdo gây ra làn sóng phản đối trong dư luận. Điển hình, hồi tháng 9/2015, tạp chí này từng bị dọa phải ra hầu tòa sau khi vẽ biếm họa thi thể cậu bé Aylan nằm chết trên bãi biển.
Trong số báo này, Charlie Hebdo vẽ hình cậu bé Aylan nằm úp mặt xuống bãi cát kèm theo dòng chú thích: “So Close to Goal” (tạm dịch: Rất gần mục tiêu). Trên đầu bé trai 3 tuổi, tạp chí Pháp vẽ một tấm biển quảng cáo của tập đoàn đồ ăn nhanh McDonald: “Two children’s menus for the price of one” (Thực đơn dành cho 2 đứa trẻ nhưng chỉ tính tiền 1 người).
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin của trang News Week, phiên bản điện tử của tạp chí News Week có trụ sở đóng tại Mỹ.