Sử dụng vật liệu nổ sẽ bị xử lý nghiêm, có thể bị phạt tù chung thân
2 đối tượng tàng trữ vật liệu nổ và tang vật bị bắt giữ tại hiện trường. (Ảnh: VOV) |
Mức xử phạt hành vi sử dụng vật liệu nổ khai thác thủy hải sản
Sử dụng vật liệu nổ khai thác thủy hải sản sẽ bị xử phạt hành chính hay áp dụng hình thức xử phạt khác?
Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, tại Điều 16 Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định:
“1. Mức phạt tiền đối với hành vi tàng trữ trái phép vật liệu nổ trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép vật liệu nổ trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác xảy ra tại vùng nước nội đồng.
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép vật liệu nổ trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác xảy ra trên biển.
2. Mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy sản như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy sản tại vùng nước nội đồng.
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy sản trên biển.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu vật liệu nổ đối với các hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này”.
Đồng thời, tại Điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015 và khoản 107 Điều 1 Luật số 100/2017/QH14 ngày 20/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2017/QH14 quy định tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ:
“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xùy hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm”.
Như vậy, đối với hành vi sử dụng vật liệu nổ khai thác thủy hải sản, tùy mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định.
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tiêu hủy pháo lậu. (Ảnh: Đình Tiến/Báo Biên phòng) |
Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi
Ngày 27/12/2018, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tổ chức Hội nghị “Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và pháo trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019”. Đại tá Trần Quốc Sáng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, nêu lên những kết quả đạt được; những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua và phương hướng, giải pháp đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về VK, VLN, CCHT và pháo trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Đại tá Trần Quốc Sáng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT; Nghị định số 36/CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT và pháo; phát động có hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về VK, VLN, CCHT và pháo.
Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn với các hành vi vi phạm về VK, VLN, CCHT và pháo, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tình hình an ninh, trật tự. Chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về VK, VLN, CCHT và pháo, nhất là trên các tuyến biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, nhất là các địa bàn đã xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về VK, VLN, CCHT và pháo. Xây dựng, triển khai các phương án cụ thể bảo vệ trật tự công cộng tại các nhà ga, bến xe, các khu dân cư, nơi vui chơi, giải trí, địa điểm bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm.