Sư đoàn bắn rơi 25 máy bay B-52 nay làm chủ tên lửa S-300
Đại tá Phan Anh Dũng |
Đại tá Phan Anh Dũng: Phải khẳng định, được bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 361. Chính vì thế, trong những năm qua, Sư đoàn luôn hoàn thành nhiệm vụ SSCĐ, tham gia quản lý vùng trời. Để có được kết quả đó, công tác huấn luyện luôn giữ vai trò quan trọng.
Đảng ủy, chỉ huy các cấp trong toàn sư đoàn đã tổ chức quán triệt nghiêm túc nghị quyết của cấp trên về công tác huấn luyện, chỉ thị công tác quân sự của Tư lệnh Quân chủng PK-KQ. Ngay từ đầu năm, các cấp có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác huấn luyện chiến đấu. Từ đó, chỉ huy các cấp chủ động soạn thảo các kế hoạch huấn luyện chiến đấu sát với nhiệm vụ, biên chế tổ chức của từng đơn vị. Chính vì vậy, kế hoạch huấn luyện chiến đấu luôn có tính khả thi cao và sát với yêu cầu thực tế trong SSCĐ, quản lý vùng trời của sư đoàn.
Để huấn luyện đạt kết quả tốt, Sư đoàn 361 xác định phải làm tốt công tác chuẩn bị. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, các đơn vị tập trung rà soát, đánh giá chất lượng công tác huấn luyện của năm trước, từ đó đặt ra yêu cầu, biện pháp trong công tác chuẩn bị huấn luyện. Trong giai đoạn này, chúng tôi tập trung tập huấn cho đội ngũ cán bộ các nội dung về tham mưu, hậu cần, kỹ thuật và hoạt động Công tác Đảng, Công tác chính trị trong huấn luyện; chuẩn bị tốt bãi tập, đồ dùng, sơ đồ, tranh vẽ; tổ chức các lớp hội thi, hội thao…từ đó rút kinh nghiệm, chỉ ra những mặt đã làm được, những nội dung còn tồn tại trong giai đoạn chuẩn bị huấn luyện, để đề ra biện pháp khắc phục để khi bước vào huấn luyện đạt kết quả cao.
PV: Trong huấn luyện, đâu là nội dung then chốt, thưa đồng chí?
Đại tá Phan Anh Dũng: Trong quá trình huấn luyện, yêu cầu trước hết là phải đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, đúng theo kế hoạch đã được phê duyệt. Muốn vậy, các cấp phải thực hiện đúng quy trình huấn luyện, từ soạn, thục luyện, thông qua giáo án đến giảng dạy.
Nội dung trọng tâm đơn vị xác định là huấn luyện cán bộ, đảm bảo cán bộ vừa là người tổ chức, điều hành công tác huấn luyện của đơn vị mình, vừa là người giảng dạy, huấn luyện cấp dưới thuộc quyền. Vì vậy, cần phải huấn luyện cho cán bộ nắm được chỉ tiêu công tác huấn luyện của đơn vị mình và của bản thân mình; nắm chắc âm mưu thủ đoạn của địch và phương thức tác chiến của đối phương, nhất là thực tế những cuộc chiến tranh gần đây cho thấy, địch luôn áp dụng vũ khí công nghệ cao; nắm chắc tính năng kỹ, chiến thuật của vũ khí, khí tài đơn vị được trang bị…Với kiến thức đó, cán bộ sẽ xây dựng được nội dung huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ, từ bố trí đội hình, sử dụng lực lượng, sử dụng hỏa lực đánh trả và xử lý các tình huống khác.
Xe điều khiển của Đoàn tên lửa phòng không 64 huấn luyện bắt, bám sát mục tiêu bằng khí tài tên lửa S-300 |
PV: Được trang bị các loại vũ khí mới, hiện đại, đơn cử như tổ hợp tên lửa phòng không S-300, Sư đoàn 361 làm gì để quản lý và khai thác hiệu quả, thưa đồng chí?
Đại tá Phan Anh Dũng: Nhằm góp phần xây dựng Quân đội, Quân chủng PK-KQ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Sư đoàn 361 đã được trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài cải tiến; vũ khí khí tài mới, hiện đại. Làm chủ được các loại vũ khí, khí tài nói trên là nhiệm vụ quan trọng, bởi chỉ có như vậy mới nâng cao được khả năng SSCĐ. Thực hiện nhiệm vụ này, sư đoàn đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp như: Lựa chọn những cán bộ được đào tạo cơ bản ở các nhà trường, có kinh nghiệm thực tiễn, có nền tảng kiến thức về khoa học kỹ thuật, đưa đi đào tạo chuyển loại vũ khí, khí tài mới. Sau khi huấn luyện chuyển loại, đơn vị đã tổ chức huấn luyện bắn đạn thật nghiệm thu khí tài, để bộ đội tin tưởng vào vũ khí trang bị. Cùng với đó, để huấn luyện trên khí tài mới đạt kết quả tốt, đơn vị xác định phải đảm bảo tốt hệ số kỹ thuật của vũ khí, khí tài. Do đó, các đơn vị duy trì tốt nền nếp, chế độ công tác kỹ thuật; trang bị cho đội ngũ chỉ huy, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật có đủ trình độ khai thác, bảo quản, bảo dưỡng; duy trì nghiêm công tác bảo quản ngày, tuần.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 hiện đại được trang bị trong quân đội Việt Nam. Ảnh Đức Lúy |
Trong huấn luyện, sư đoàn tập trung đào tạo cho cán bộ chỉ huy và cơ quan có đủ khả năng giúp đỡ, huấn luyện trực tiếp các kíp chiến đấu, các phân đội có khí tài mới.
Kíp chiến đấu được huấn luyện từ đơn giản đến phức tạp, từ cá nhân đến hiệp đồng, từ lý thuyết đến thực hành, nên bộ đội nắm được chức trách, từ đó thao tác, kiểm tra, hiệp đồng chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm an toàn. Trong huấn luyện kíp chiến đấu, tập trung huấn luyện các bài bắn cơ bản, đánh mục tiêu trên không, đặc biệt mục tiêu là các loại vũ khí công nghệ cao.
Ngoài ra, để nâng cao khả năng khai thác, làm chủ khí tài mới, đơn vị đã tổ chức huấn luyện diễn tập chiến thuật cho các phân đội, huấn luyện cơ động nhanh, huấn luyện đêm. Kết quả huấn luyện thời gian qua đã khẳng định: Các đơn vị đã làm chủ được vũ khí, tài mới, tổ chức trực ban SSCĐ tốt, sẵn sàng đối phó có hiệu quả với các tình huống xảy ra, bảo vệ vững chắc vùng trời được phân công quản lý, không để Tổ quốc bị bất ngờ vì các tình huống trên không.
PV: Xin cảm ơn đồng chí