Sự cố uy hiếp an toàn bay từ những vật thể không ngờ
Trưa 3/7 máy bay từ Nha Trang hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất khi lăn vào bến đỗ, thợ máy kiểm tra phát hiện lốp số 2 càng sau bên trái máy bay có vết cán đinh, đinh ghim sâu vào trong lốp.
Đến tối 3/7, chuyến bay từ Singapore hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất khi lăn vào bến 77 thợ máy kiểm tra phát hiện lốp số 4 càng sau bên phải máy bay có vết rách kích thước khoảng 2 x 0,6cm và bị xì hơi lốp.
Trước đó, cuối tháng 6, một chuyến bay khác từ Phú Quốc về sân bay Nội Bài đêm 30/6 thì thợ kỹ thuật kiểm tra máy bay phát hiện lốp số 2 càng trái bị 1 đinh vít găm vào lốp.
Một chuyến bay khác đêm 29/6 từ Hà Nội đi Melbourne (Úc), khi chuẩn bị cất cánh thợ máy kiểm tra tàu bay phát hiện lốp số 2 càng trái bị 1 đinh mũ ghim vào lốp.
Tương tự, sáng sớm 29/6, sân bay Nội Bài cũng ghi nhận chặng bay từ TP.HCM đi Hà Nội khi hạ cánh đã phát hiện lốp số 1 càng trái có 1 vết rách.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc nhiều lốp máy bay bị vật ngoại lai cắt dẫn đến hỏng lốp là sự cố hàng không trực tiếp uy hiếp đến an toàn bay đối với các lĩnh vực: khai thác máy bay, quản lý hoạt động bay, quản lý sân bay.
Vật ngoại lai đến từ đâu?
Một chuyên gia hàng không cho biết, vật ngoại lai (FOD) bao gồm bất kỳ vật thể nào xuất hiện trên khu bay mà có khả năng/nguy cơ gây thương tích cho con người, gây thiệt hại cho trang thiết bị, phương tiện và tàu bay.
Theo đó, có nhiều nguồn gây ra FOD như: từ trang thiết bị, phương tiện, từ con người, cũng có thể là từ môi trường, thời tiết, động vật hoang dã.
Vật ngoại lai (FOD) được chia làm khá nhiều loại từ những thứ mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghĩ chúng có thể gây hại.
“Đó có thể là một chiếc bút, chìa khóa vô tình đánh rơi trong khu bay. Hay một cái tag hành lý bị rời ra; một chai nước bị bỏ lại; một chiếc bánh xe va li; một con ốc thất lạc.
Thậm chí đó có thể là một cành cây vô tình bị đổ; những vật liệu, phế thải xây dựng không được dọn sạch kỹ hay đến những thứ phức tạp như linh kiện tàu bay, linh kiện của phương tiện, trang thiết bị hoạt động và làm việc ở khu bay… Tất cả đều là những mối nguy đối với hoạt động khai thác trong khu bay”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, vật ngoại lai không chỉ tăng chi phí bảo trì và khai thác vận hành vì có thể làm rách, hỏng lốp máy bay, hư hỏng động cơ, hư hỏng linh kiện của máy bay …mà còn đã từng gây những tai nạn thảm khốc trong lịch sử ngành hàng không khiến tàu bay bị cháy nổ.
“Gần đây nhất vào năm 2000, một máy bay Concorde của Pháp khi cán phải một mẩu kim loại trên đường băng lúc cất cánh đã khiến máy bay rơi làm 113 người thiệt mạng”, vị chuyên gia dẫn dụ.
Do đó, đảm bảo tuyệt đối an toàn bay là mục tiêu sống còn của một cảng hàng không, sân bay. Và việc kiểm soát tốt vật ngoại lai (FOD) luôn phải được chú trọng.
Tại tất cả các sân bay, công tác kiểm soát FOD nói riêng và đảm bảo an toàn hoạt động bay nói chung là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.
N.Huyền